Xử lý khủng hoảng tâm lý vì học trực tuyến

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em bị tổn thương sức khỏe tâm thần; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác…

Học sinh dễ bị “mắc kẹt” trong trầm cảm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh nhận định, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh trong thời gian không thể đến trường. Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp.

Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, chưa kể những yếu tố rủi ro, có những học sinh mồ côi cha mẹ, mất đi người thân và những sang chấn tâm lý đối với các em là không thể tránh khỏi. Có một số em bị khủng hoảng tâm lý.

Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên viên tâm lý học trường học, nêu lên nhiều vấn đề về tâm lý học sinh khi học trực tuyến. Đó là tình trạng học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu tương tác và cô lập xã hội. Việc thiếu tương tác xã hội, đặc biệt là với bạn đồng lứa, có thể dẫn trẻ đến cảm giác cô đơn, thiếu động lực và bị cô lập. Nhiều học sinh cũng có thể rơi vào tình trạng tăng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, dẫn báo cáo chưa đầy đủ từ Bộ LĐTBXH, đến ngày 10/9 có hơn 40.000 trẻ là F0, F1; hàng nghìn trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ sau đại dịch. Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.

Thời điểm lo lắng nhất của trẻ là khoảng sau 6 tuần giãn cách, một số trẻ có hành vi tự hại bản thân. Ở nhà quá nhiều vì dịch, trẻ từ 3-6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ 6-12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực…

Và như thế, học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài sợ hãi, cô lập, mắc kẹt trong không gian chật chội, tiếp xúc nhiều thông tin xấu độc trên mạng, bạo lực gia đình. Khi đến trường, có thể trẻ sẽ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng, phá vỡ mọi nội quy. Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích, hay nói “Hãy để con yên”… Đặc biệt, những trẻ phải đối diện cái chết của bố mẹ, người thân trong đại dịch có thể bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sợ hãi đến mất kiểm soát, thường xuyên gặp ác mộng, khó tập trung, chán nản, thờ ơ với mọi việc…

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, học sinh chịu tác động dịch COVID-19 có thể có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Những gia đình nghèo, bố mẹ mất việc, đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng khiến học sinh tự ti, sợ hãi.

Học trực tuyến trong thời gian dài, thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên, học sinh cũng dễ chán nản, không có hứng thú học tập. Ông lưu ý phụ huynh, giáo viên để ý những dấu hiệu căng thẳng ở học sinh, như thích ở một mình, buồn bực không lí do, mất hứng thú với đam mê, luôn cảm thấy mình thất bại…

“70% học sinh khi bị stress có những trường hợp tiêu cực nghĩ đến cái chết và thực tế đã có những cái chết thương tâm xảy ra. Ở độ tuổi vị thành niên, học sinh chịu nhiều áp lực từ gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè và những buổi học dày đặc khiến các em kiệt quệ về tinh thần”…

Thầy cô, phụ huynh sẵn sàng “ứng phó” khi trò trở lại trường

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trước khi học sinh trở lại trường, cần phải giảm tải học trực tuyến. Khi học sinh đi học, các trường không vội vàng ép các em học cho kịp chương trình; thay vào đó, cần giảm tải, nới lỏng, ưu tiên các hoạt động giao lưu để trẻ dần thích ứng. “Tuần đầu học sinh quay lại trường, giáo viên chú ý mọi xích mích nhỏ cần được giải quyết nếu không để tâm sẽ có nguy cơ xảy ra các vụ việc bắt nạt, bạo lực học đường để giải tỏa bức bí lâu ngày”, ông nói.

Cùng với đó, theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, những triệu chứng trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi và chúng có thể tồi tệ hơn nếu không được chữa trị. Do vậy, khi học sinh tới trường, nếu giáo viên phát hiện dấu hiệu bất thường thì không nên giận dữ, quát mắng hay ép học sinh học tập bằng những lời lẽ gay gắt, mỉa mai. Cần lắng nghe vấn đề học sinh đang gặp phải để chia sẻ, động viên, kéo các em vào những hoạt động tập thể, trao đổi với phụ huynh để cùng hỗ trợ…

Các chuyên gia tâm lí khẳng định, giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách và tiếp thu kiến thức của học sinh, do đó, nếu tạo lập được mối quan hệ tốt giữa thầy và trò thì có tác động rất tích cực. Do đó, giáo viên cần ứng xử đúng mực, tôn trọng học sinh, tạo môi trường vui vẻ, thoải mái, đánh giá các em một cách công bằng.

Với nhóm khó khăn tâm lý liên quan đến sức khoẻ về thể chất, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chủ động chăm sóc bản thân, lên kế hoạch sinh hoạt khoa học như ăn, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc; thời gian ngủ nên trước 10h30' tối và thức dậy vào giờ phù hợp để kịp ăn uống, học online mà không quá cập rập.

PGS.TS Trần Mạnh Hà cho rằng, khi có vấn đề tâm lý liên quan đến gia đình, giáo viên hãy gợi mở cho học sinh biết cách tìm đến người mà mình yêu thích để chia sẻ, không nên giữ trong lòng và chịu đựng một mình; giữ khoảng cách với thành viên mà bản thân thấy không hợp; tìm đến các thú vui của bản thân như nghe nhạc, xem phim hài,.. Học sinh cũng không nên tìm hiểu sâu, quá nhiều về những thông tin liên quan đến dịch bệnh hay tệ nạn xã hội, mà dành thời gian cho công việc gia đình như nấu cơm, dọn rửa nhà cửa,..

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, việc triển khai tư vấn tâm lý học đường hiện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. Đây là vấn đề khó mà ngành giáo dục đang phải tháo gỡ. Trên thực tế, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các thầy cô giáo. Trước mắt, chính các thầy cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh.

Để khắc phục phần nào thực trạng này, Bộ GD-ĐT vừa phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các chuyên gia tâm lý Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ với các thầy cô về kinh nghiệm và kiến thức của 4 chuyên đề quan trọng. Đó là nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ và cuối cùng là hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.

Chương trình cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên những kỹ năng về tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý, kỹ năng giúp học sinh bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình…

Thầy cô cũng phải vượt qua những thời gian căng thẳng

Cô Trần Vân Thu, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5, TP HCM) chia sẻ, nhờ có sự lạc quan, yêu đời, mong muốn chiến thắng dịch bệnh mà tôi cùng gia đình đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Cô Thu khóc khi nhớ lại cảm giác rối bời lo lắng khi gia đình cô gồm có 18 người thì 16 người là F0, nhiều người phải vào bệnh viện, vào khu cách ly tập trung, có thời gian phải thở oxy để giành sự sống. Tự nhủ phải cố gắng để vượt qua, hàng ngày, cô Thu theo lời khuyên của bác sĩ ăn uống đầy đủ, tập thể dục chăm chỉ. Niềm lạc quan đã giúp cô vượt qua và chiến thắng dịch bệnh, có thể gặp học trò qua giờ học online.

Tin cùng chuyên mục

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?