Hàng nhái đầy rẫy trong chợ, siêu thị
Kế hoạch tổng kiểm tra các tụ điểm kinh doanh, sản xuất hàng giả ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Tổng cục QLTT ban hành từ cuối tháng 11/2019. Dự kiến, sẽ triển khai hàng loạt các cuộc “đánh” mạnh sau Tết Nguyên đán 2020 nhưng vì dịch Covid -19 bùng phát đã khiến các kế hoạch này bị đình lại.
Đến nay, sau khi các cuộc kiểm tra xử lý các mặt hàng, vật tư y tế liên quan đến chống dịch đã mang lại một hiệu quả nhất định, Tổng cục QLTT quyết định bắt đầu chiến dịch tấn công các tụ điểm kinh doanh, sản xuất hàng giả.
Địa điểm mở đầu chiến dịch được lựa chọn là Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Square. Giữa tuần trước, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã trực tiếp chỉ đạo Cục Nghiệp vụ và Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp kiểm tra đột xuất 20 quầy hàng tại TTTM Sài Gòn Square (77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) và chợ Bến Thành.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.500 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, tại TTTM Sài Gòn Square kiểm tra 10 quầy hàng, tạm giữ 224 sản phẩm. Trong đó có 63 chiếc đồng hồ, nhãn hiệu Montblanc, Rolex, Bvlgari, Cartier, G-Shock; 3 đôi giày nhãn hiệu Valentino; 46 chiếc túi xách, túi đeo các loại, nhãn hiệu: Prada, Adidas, Gucci; 3 chiếc ba lô nhãn hiệu Calvin Klein, Burberry; 107 chiếc ví, bóp các loại, nhãn hiệu Gucci, Hermes, Prada.
Kiểm tra 10 quầy hàng tại chợ Bến Thành, tạm giữ 1.276 sản phẩm, tổng trị giá khoảng 118 triệu đồng. Trong đó có 642 sản phẩm là đồng hồ đeo tay, mắt kính mang các nhãn hiệu Rolex, Longines, Gucci, Montblanc, Chanel, Rayban, Burberry, Dior, Cartier, Omega; 634 sản phẩm là túi xách, túi đeo, thắt lưng, ví (bóp) các loại, nhãn hiệu Montblanc, Prada, Gucci, Yves Saint Laurent, MCM, Dior, Hermes, Goyard, Chanel.
Đại diện Tổng cục QLTT cho hay, qua khảo sát, các mặt hàng tiêu dùng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ được gắn nhãn mác, thương hiệu nổi tiếng thế giới để dễ bán và có giá rất rẻ. Ví dụ, một chiếc túi xách giả nhãn hiệu Montblanc kiểm tra tại Sài Gòn Square có giá chỉ 800.000 đồng/chiếc, thấp hơn vài chục lần so với giá thực tế của một chiếc túi xách Montblanc thật. Đoàn kiểm tra tiến hành lập Biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa 1.500 sản phẩm nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT nhận định đây là những nơi có số lượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất TP HCM. Mặc dù đã liên tục kiểm tra, thu giữ và xử phạt nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái 2 địa điểm này vẫn tái diễn.
Sẽ có hình thức xử lý tăng nặng
TTTM Saigon Square và chợ Bến Thành chỉ là số ít trong số những tụ điểm kinh doanh, sản xuất hàng giả mà Tổng cục QLTT nhắm tới trong thời gian tới đây. Theo người đứng đầu Tổng cục QLTT, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là trọng tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục QLTT vì hiện nay thực trạng này đang rất nhức nhối.
Tổng cục đã lên danh sách 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong mỗi tỉnh, thành phố này đều liệt kê cụ thể địa bàn nào, chợ nào, quận, huyện nào để tập trung vào những địa điểm ấy. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta triển khai có trọng tâm trọng điểm, có quyết tâm và thật quyết liệt thì sẽ dần dần ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn kinh doanh sản xuất hàng giả”, ông Linh chia sẻ.
Việc công khai các địa điểm không khiến cho cuộc kiểm tra mất đi sự bất ngờ hay khiến cho các tụ điểm “có sự chuẩn bị trước” bởi theo ông Linh, việc công khai trước hết sẽ có tác dụng đánh động để cho bản thân những người kinh doanh ở tụ điểm đấy biết rằng cần phải có hướng để thay đổi dần cơ cấu, cách thức kinh doanh vì họ biết rằng sẽ còn nhiều cuộc kiểm tra nữa, sẽ không thể kiếm sống từ hàng giả được nữa.
Ông Linh khẳng định: “Việc công khai này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc kiểm tra vì thật sự những tụ điểm này thực ra không phải là mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay, hầu như mọi người đều biết”. Do vậy, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, để việc chống hàng giả hiệu quả thì đầu tiên phải phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng không buôn bán, sản xuất hàng giả đã, sau đó ký quy chế cam kết rồi mới bắt đầu đến kiểm tra, kiểm soát.
Ông Linh cũng “bật mí”, Tổng cục sẽ có biện pháp để tuyên truyền và đặc biệt sẽ triển khai việc yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu đã ký cam kết rồi mà vẫn vi phạm khi các lực lượng chức năng đến kiểm tra thì sẽ có những hình thức xử lý tăng nặng. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh thêm, để dẹp bỏ thực trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương.