Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay (30/10), Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề cập đến việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ được Thủ tướng phân công là Tổ trưởng Tổ công tác về kiểm tra công vụ để giúp Thủ tướng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ.
Đại biểu Hiền đề nghị Bộ trưởng Nội vụ làm rõ các giải pháp tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 33 của Quốc hội.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nội dung kiểm tra công vụ của Chính phủ tập trung vấn đề thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính về tổ chức và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch nhà nước, về đạo đức công vụ, về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, về công tác cán bộ, tuyển dụng và đề bạt cán bộ, về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Từ tháng 7 đến nay, Tổ kiểm tra công vụ của Chính phủ đã thực hiện kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 tỉnh, 4 bộ, ngành, địa phương. Qua đánh giá của các địa phương và kết quả của tổ cũng chỉ ra được những vấn đề chấp hành chưa nghiêm các quy định nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và quy định pháp luật của nhà nước.
“Đặc biệt, trong quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, về tổ chức biên chế cũng như công tác tiếp công dân, hàng tháng tổ kiểm tra công vụ đều báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra của bộ, ngành đó là Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan trong thành viên tổ chỉ đạo để làm công tác hậu kiểm. Có thể đây là tổ hậu kiểm kết quả thanh tra của các bộ, ngành trong các lĩnh vực”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Vẫn theo Bộ trưởng Tân, Tổ công tác cũng kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời đề nghị đơn vị tự khắc phục những vấn đề đề bạt bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng theo quy định pháp luật, có báo cáo Chính phủ qua Bộ Nội vụ; xem xét xử lý trách nhiệm các cơ quan đơn vị.
Theo ông Tân, mục đích của tổ kiểm tra công vụ còn là tìm ra những điểm mà pháp luật hiện nay quy định chưa phù hợp trên cơ sở phản ánh của các địa phương. Đây là cơ sở để giúp Bộ Nội vụ và các ngành tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp trong tình hình hiện nay và việc thực hiện xây dựng thể chế.
Tranh luận lại nội dung này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết ông đã nghiên cứu báo cáo tại kỳ họp thứ 4 do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký gửi các đại biểu Quốc hội, trong đó," tôi thấy hôm nay đồng chí phát biểu rất tâm tư." - ông nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng. |
“Trong các trường hợp mà Bộ Nội vụ kiểm tra và xử lý, tôi rà từ trên xuống dưới, thấy có điệp khúc duy nhất là rút kinh nghiệm. Tình trạng này theo tôi là xử lý không nghiêm đối với cán bộ”, ĐB Nhưỡng nói.
Vị đại biểu dẫn chứng dư luận gần đây rất bất bình về câu chuyện nguyên Phó Chủ tịch Thanh Hóa sau khi bị cách chức lại được bổ nhiệm vào chức Ủy viên trực Tổ trưởng tổ giúp việc về vấn đề quy hoạch đô thị và nhà ở.
Hay việc ở Trà Vinh cũng có trường hợp cán bộ bị xử lý, chuyển từ Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp sang làm giám đốc Sở.
‘Người ta cảm giác xử lý bên trên rất nghiêm trọng nhưng bên dưới thì như tặng quà. Tôi cho rằng như thế không nghiêm, cán bộ mà không có phẩm chất thì cần phải đưa ra khỏi bộ máy mà Đảng đang muốn làm trong sạch bộ máy này. Nếu xử lý như thế, tôi cho rằng đánh bùn sang ao, cử tri và nhân dân không tin tưởng”, ĐB nói.
Đại biểu Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trên cương vị Tổ trưởng giúp việc cho Thủ tướng vấn đề này nghiên cứu, thực hiện hết sức nghiêm túc.
Phát biểu về nội dung này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tất cả các Bộ trưởng đều nghiêm túc nghiên cứu về công tác cán bộ.