Từ thành công của phố cổ Hội An…
Mô hình “du lịch không khói thuốc” đã được áp dụng ở nhiều thành phố du lịch lớn trong cả nước như Hạ Long, Huế, Nha Trang… Trong đó, phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực sau 8 năm nỗ lực xây dựng “Hội An - thành phố du lịch không khói thuốc lá”. Không chỉ bó gọn trong khu phố cổ, ngành du lịch nói riêng, phong trào “nói không với thuốc lá” còn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, học sinh, sinh viên.
Hội An là thành phố xây dựng thành công mô hình du lịch không khói thuốc lá |
Đến đây, không chỉ bắt gặp các biển báo, hàng triệu tờ rơi, tập gấp được in được phát cho du khách để phổ biến nội dung cấm hút thuốc lá trong các khu di tích trên ba thứ tiếng Anh, Việt, Pháp. Việc làm này đã được duy trì bền bỉ trong 8 năm qua, dù không phải là một cách tuyên truyền mới nhưng lại có hiệu quả đối với du khách.
Đặc biệt, với hơn 1,8 triệu du khách đến Hội An mỗi năm, họ thật sự ấn tượng với phương pháp tuyên truyền “không thuốc lá trong phố cổ”. Nhiều du khách nước ngoài đánh giá cao phố cổ Hội An trên các trang mạng xã hội quốc tế là “một thành phố văn minh, thân thiện và đáng sống”.
Cái được khác của chương trình này, theo Cổng thông tin thành phố Hội An, tỷ lệ người nghiện thuốc lá, nhất là giới trẻ tại đô thị cổ đã giảm rất nhiều so với thời điểm 8 năm trước. Khi các bạn thanh thiếu niên cũng tham gia tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, chính bản thân các bạn cũng nhận thức được những nguy hiểm và vận động bạn bè mình tránh xa thuốc lá.
Được biết, cuộc vận động phòng, chống thuốc lá còn được đẩy mạnh ra các khu dân cư, thông qua các hoạt động sinh hoạt, hội họp trong nhân dân, các đám cưới, đám ma, liên hoan hoặc các chương trình cụ thể trong một số tộc họ.
Mới đây, phát biểu tại buổi mittinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban điều hành Chương trình “Xây dựng Hội An – Thành phố du lịch không khói thuốc lá”, bày tỏ: “Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và du khách hãy nâng cao quyết tâm nói không với thuốc lá, hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị và từng địa bàn dân cư để mỗi chúng ta và thế hệ mai sau có một môi trường lành mạnh, an toàn để sống, làm việc, học tập và vui chơi”.
Theo nhiều ý kiến, thành công của Hội An là đã ghi được dấu ấn trong lòng du khách tới thăm một thành phố thân thiện, đẹp đẽ và trong lành hơn.
... đến “đẩy lùi” khói thuốc tại Thủ đô
Mới đây, hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, nhiều điểm du lịch trong địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành mô hình “điểm du lịch không khói thuốc” như tại Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... và tại nhiều cơ quan hành chính, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện.
Nhiều bảng biển có nội dung xây dựng mô hình du lịch không khói thuốc được đặt tại các khu du lịch |
Sở Du lịch Hà Nội cũng vừa có Công văn số 404/SDL-QLCSLT gửi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và trợ giúp phát triển cộng đồng đưa ra các giải pháp tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm du lịch khác trong Thủ đô để giảm bớt lượng khói thuốc như: xây dựng nội quy, biển báo rõ ràng đối với những nơi không được phép hút thuốc; bố trí nhân viên phục vụ thường xuyên nhắc nhở du khách; không bán thuốc lá; không nhận hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ những công ty thuốc lá dưới mọi hình thức; tạo khu vực dành riêng cho người hút thuốc…
Dù vậy, trên thực tế, dù ở nhiều nơi đã đặt biển cấm hút thuốc (no smoking) nhưng nhiều du khách thiếu ý thức ngó lơ, mặc kệ, thậm chí còn to tiếng nếu nhân viên nhắc nhở. Các quy định xử phạt đã được đề ra như hút thuốc lá ở khu vực không được phép tại các nhà hàng sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.
Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống không treo biển “cấm hút thuốc lá”, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại nhà hàng sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Song, việc xử phạt người hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc chưa nhiều, một phần do ý thức tự giác của nhiều du khách còn kém, một phần do sự quản lý, giám sát còn lỏng lẻo. Thường thường, khi nhân viên nhắc nhở vài lần mà du khách không nghe theo, họ cũng không thể xử phạt hay ép buộc khách chấm dứt hành động này nên đành để mặc khách.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, khói thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ với sức khỏe của chính người sử dụng mà còn gây ra tác hại với những người hít phải chúng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, người hút thuốc cũng hay quen tay vứt các mẩu thuốc hút xong ra môi trường xung quanh, gây phản cảm, ô nhiễm. Trong thời tiết nắng nóng, khô hanh, các đầu thuốc hút dở còn có thể là xúc tác gây cháy nổ, đe dọa tới tính mạng con người.
Từ đó cho thấy, “Du lịch không khói thuốc” không chỉ là một xu hướng sống đẹp, có trách nhiệm với thiên nhiên, cộng đồng, mà còn giúp gây dựng một hình ảnh đô thị đẹp đẽ, văn minh, trong lành đối với người dân và du khách, cần triển khai rộng khắp ở 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước.