Trong giai đoạn sản phẩm và dịch vụ du lịch vẫn chưa có nhiều đổi mới, nhiều người làm du lịch tận thu khai thác kiểu “sáu tháng mài dao ba tháng chém” - thì, nhiều du khách ra nước ngoài nghỉ dưỡng và khám phá là lẽ dĩ nhiên. Đã có giai đoạn “đi Tây” du hí - như sang thăm Thái Lan chẳng hạn - còn rẻ hơn chọn điểm đến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả lúc “từ bỏ thị trường nội địa” như vậy, nhiều người vẫn thở dài: “Nước ngoài họ làm du lịch giỏi quá, cảnh sắc, tài nguyên của họ chẳng có gì, mà họ kinh doanh đâu ra đấy. Hái bộn tiền”. Rồi ai nấy tỏ vẻ tiếc cho những bãi biển được cả thế giới vinh danh, sự đa dạng sinh học đáng tự hào và vẻ đẹp trong văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Quả thế, sẵn tiềm năng phong phú, sẵn vẻ đẹp trời đất ban tặng, du lịch Việt Nam đã bừng thức theo đúng nghĩa trong thời gian gần đây, bởi nhiều lý do. Có thể thấy rõ xu hướng này bằng các thống kê đã được đĩnh đạc công bố như một niềm tự hào “người Việt dùng hàng Việt” trong lĩnh vực du lịch như sau: Bắt đầu từ quý 3 năm 2018, du khách Việt Nam đang có xu hướng đi du lịch trong nước thay vì “bay” nước ngoài như trước đây.
Đơn cử tại Công ty Du lịch hàng đầu Việt Nam Vietravel, cơ cấu khách đi du lịch trong nước và nước ngoài như sau có sự chuyển dịch đều đặn: 2017, 66% khách đến với thị trường nội địa, 34% khách đi du lịch nước ngoài; các con số này của năm 2018 lần lượt là: 65% và 35%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ này đã lên tới mức: cứ 100 người đi du lịch thì có đến 69 người chọn điểm đến trong nước, chỉ 31 người lựa chọn thị trường nước ngoài.
Kinh tế đang phát triển ngoạn mục, chứ không phải bà con hết tiền đi ra nước ngoài vãn cảnh. Mà bản chất vấn đề năm ở chỗ, theo các chuyên gia, các địa phương đã đồng loạt, tập trung với quyết tâm cao độ vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Liên tiếp các hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả được tiến hành: bảo vệ môi trường xanh sạch; đầu tư quy mô lớn cho các cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú và dịch vụ theo hướng phát triển bền vững và nhân văn; sản phẩm - dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hoàn hảo và có bản sắc độc đáo ở mỗi địa phương; giá dịch vụ cũng theo đó mà “mềm” hơn do tính chuyên nghiệp với sự minh bạch trong cạnh tranh. Vấn đề an toàn cho du khách, chất lượng thực phẩm, quy củ trong quản lý chăm sóc du khách được đặc biệt đề cao.
Đã qua rồi cái thời người người ngồi im và lẩm bẩm “hữu xạ tự nhiên hương”. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã năng động trải thảm đỏ, đi tìm nhà đầu tư, ra nước ngoài quảng bá du lịch quê mình. Năm 2019, đánh dấu một giai đoạn đặc biệt, với liên tiếp các sự kiện quảng bá lớn, đó là Hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên - với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại đây, 500 đại biểu từ 19 tỉnh, thành cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các đơn vị trọng yếu của về ngoại giao, kinh tế và du lịch ở trung ương đã bàn thảo kỹ rồi đệ 10 kiến nghị cốt yếu lên người đứng đầu Chính phủ.
Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019; Diễn đàn cấp cao phát triển du lịch; Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019… đã liên tiếp mổ xẻ thế mạnh tuyệt vời và cả những bất cập đau đầu cần chấn chỉnh của du lịch Việt Nam. Từ đó, tín hiệu đáng mừng đã đến. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) có báo cáo khẳng định: Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới; là đại diện duy nhất của châu Á lọt vào danh sách 3/10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới (do TripAdvisor công bố)...
Bản thân các Công ty du lịch uy tín, họ cũng quan tâm đầu tư hiệu quả vào các điểm đến trọng điểm, để tạo đà cho kho báu du lịch quê nhà thêm một lần thức giấc. Ví như, Công ty Vietravel đã trực tiếp đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng quy mô cho khu vực Kỳ Đài tại Huế, khai trương phố đi bộ giữa lòng cố đô, để thu hút thêm nữa khách muôn phương đến với miền sông Hương núi Ngự.
Công ty này còn cho ra lò những sáng kiến được các địa phương nhiệt liệt ủng hộ, tạo một cú hích cho phát triển du lịch nội địa. Khi mở rộng mạng lưới các chi nhánh để trực tiếp khai thác các sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương, Vietravel đã tự tin cam kết và làm tốt cam kết đó, rằng: hễ thu hút thêm được một khách hàng tại “tỉnh nhà”, thì Vietravel sẽ nỗ lực mang đến cho chính địa phương ấy ba vị khách khác!
Ở tầm khu vực và quốc tế, bản thân Vietravel liên tiếp mở rộng các tuyến charter (thuê máy bay nguyên chiếc) phục vụ du khách, thì họ luôn tính hai chiều: đưa khách Việt ra thế giới và đưa khách quốc tế về lại Việt Nam. Đây là chính sách “đồng hành hiệu quả” cùng ngành du lịch các địa phương. Các chuyến charter hai chiều: Nhật Bản - Tp.HCM; Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh - Bangkok; Bangkok - Huế… đã như tiếp một luồng sinh khí mới, đưa ra các sản phẩm du lịch mới và đầy tiện ích cho các địa phương.
Các hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả “kích cầu” và kiện toàn mọi mặt cho các điểm đến, như: Hội chợ Du lịch TP HCM rồi Hà Nội, Lễ công bố Tour Du lịch Quan Sơn - Viêng Xay (tháng 3 năm 2019), Tuần lễ Văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An năm 2019…
Người ta bảo, ai cũng vậy thôi, đi xa là để ngẫm về chính quê nhà của mình. Xu hướng ngày càng nhiều du khách Việt quay về chọn điểm đến là “rừng vàng biển bạc” của “đất nước ông bà” như hiện nay đã thêm một lần khẳng định: việc các địa phương hành động nghiêm túc, trên tinh thần coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” đã rất đúng đắn và đã bước đầu thành công. Hơn thế, sự tiến bộ ở các điểm đến kia, nó còn mang giá trị nhân văn trân quý. Là niềm tự hào, là thể diện quốc gia của chúng ta trước bạn bè quốc tế nữa.
Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch và du lịch Việt Nam là ngành phát triển mạnh mẽ, từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.