Những địa điểm thu hút hàng triệu du khách
Du lịch tâm linh hay còn được hiểu như kết nối tâm hồn qua hành trình khám phá là loại hình du lịch không còn xa lạ với nhiều người. Đây là loại hình du lịch không chỉ khám phá văn hóa, lịch sử mà còn chạm đến tâm hồn con người. Hành trình không chỉ là một chuyến đi mà còn là sự kết nối với những giá trị vô hình, làm giàu tâm hồn và mang lại trải nghiệm tinh thần độc đáo.
Khác biệt với các hình thức du lịch khác, du lịch tâm linh không chỉ mang lại sự thư giãn mà còn chứa đựng ý nghĩa tôn giáo, tâm linh, khám phá cội nguồn lịch sử và văn hóa đặc trưng. Mỗi địa điểm du lịch tâm linh là một câu chuyện riêng, mở ra không gian để khám phá và hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa độc đáo của đất nước.
Du khách đến với du lịch tâm linh thường với hai mục đích khác nhau. Đầu tiên và cũng là nguồn gốc của loại hình du lịch này chính là hành hương, tức những chuyến đi chỉ vì mục đích tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Du khách tham gia chủ yếu là tín đồ với mong muốn đến thăm các thánh tích, đền đài để thực hiện những nghi lễ linh thiêng hoặc tìm về nguồn gốc của tôn giáo mà họ đang tu tập.
Tệp du khách thứ hai là những người cũng có nhu cầu đến thăm các địa điểm tôn giáo nhưng với mục đích chính là để chiêm ngắm vẻ đẹp của công trình kiến trúc, di sản, tìm hiểu văn hóa, trau dồi kiến thức hoặc đi tìm trải nghiệm mới mẻ. Đồng thời, vẫn có những người kết hợp cả hai hình thức trên để vừa hoàn thành mục đích tôn giáo, vừa có thêm những trải nghiệm du lịch thuần túy.
Tại Việt Nam, loại hình du lịch này cũng vô cùng quen thuộc và được đông đảo du khách lựa chọn cho chuyến đi du xuân đầu năm của mình. Còn trên thế giới, nhìn vào hình ảnh dòng người lên đến hàng ngàn xếp hàng để được vào cầu nguyện viếng thăm các địa điểm tâm linh nổi tiếng trên giới cũng đủ để thấy sự quan tâm, thích thú của du khách đến loại hình này như thế nào.
Được ví như “một ngôi làng toàn cầu” tuyệt đẹp, thế giới là nơi mọi người thể hiện những niềm tin tôn giáo khác nhau. Ở mỗi quốc gia, bên cạnh sự khác nhau về vùng đất, văn hóa, con người thì còn khác biệt trong du lịch tâm linh đem đến trải nghiệm đi vào chiều sâu cảm xúc.
Thánh địa Mecca sở hữu công trình kiến trúc Kaaba hình khối lập phương độc đáo. (Ảnh: AFP) |
Điểm qua một vài địa điểm du lịch tâm linh trên thế giới, chắc chắn phải kể đến Vatican City (Ý). Vatican tên đầy đủ State of Vatican City (Thành quốc Vatican), tọa lạc trên đồi Vatican, phía tây bắc Rome, Italy và nằm phía tây sông Tiber. Các bức tường đá cao bao quanh hầu hết Vatican. Quốc gia này có hiệu thuốc, bưu điện, hệ thống điện thoại và các phương tiện truyền thông riêng. Dân số là 1.000 người, theo ước tính năm 2022.
Là quốc gia nhỏ nhất thế giới với diện tích 0,44km2 và nằm trong lòng Thủ đô Rome, Italy nhưng nơi có tỷ lệ khách du lịch trên mỗi cư dân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, khi đón 6,9 triệu du khách vào năm 2019. Được biết, đối với nhiều người theo đạo Cơ đốc, một trong những điều cần làm trong đời là viếng thăm tòa thánh Vatican. Được ví như một kho báu thiêng liêng thể hiện vẻ đẹp và tâm linh của thế giới, những điểm đến nhất định phải ghé thăm khi đến nơi này gồm: Vương cung thánh đường thánh Peter, quảng trường thánh Peter, tượng La Pietà (Đức Mẹ Sầu Bi), các viện bảo tàng Vatican,…
Được biết đến là “trái tim linh thiêng” trong thế giới hồi giáo, ẩn mình trong một thung lũng sa mạc ở phía tây của Saudi Arabia, thánh địa Mecca (Ả Rập Xê-út) là là một trong những điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới. Theo quy định bắt buộc, người Hồi giáo phải đến đây ít nhất 1 lần trong đời, ngay cả khi cầu nguyện, họ cũng phải hướng mặt về phía thánh địa Mecca. Đây là lý do giúp thánh địa Mecca hàng năm đón khoảng 2,5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới, trong dịp lễ Haji, mùa hành hương chính của các tín đồ Hồi giáo, các tín đồ đạo Hồi từ khắp nơi trên thế giới, dù họ ở đâu, nói ngôn ngữ nào. Mỗi năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca với mong muốn được nhìn thấy Kaaba, công trình kiến trúc hình khối lập phương độc đáo. Kaaba cũng là nơi chứa phiến đá thiêng liêng nhất đối với các tín đồ của tôn giáo này.
Tại Đông Nam Á, địa danh nổi tiếng trong du lịch tâm linh phải kể đến Borobudur (Java, Indonesia), một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng với kiến trúc có từ thế kỉ thứ 8 và 9, trong triều đại Syailendra. Di sản thế giới UNESCO này có 3 tầng, bao gồm 5 bậc thang vuông đồng tâm, 3 bệ tròn và một bảo tháp đồ sộ trên đỉnh. Như niềm tự hào của Indonesia, Borobudur được biết đến là đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, đây là kiệt tác của kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật đền đài. Hàng năm, hàng triệu du khách và tín đồ Phật giáo hành hương tới Borobudur dẫn tới sự quá tải, từ đó kéo theo tổn hại kiến trúc của kỳ quan Phật giáo này.
Các quốc gia đầu tư cho du lịch tâm linh
Nhận thấy tiềm năng phát triển từ loại hình du lịch tâm linh, giờ đây không chỉ thịnh hành tại các quốc gia châu Á như: Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản… Du lịch tâm linh còn thu hút sự chú ý từ các quốc gia Tây Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi khi các quốc gia này dần mở cửa và có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch. Bên cạnh các nước mới bắt đầu tham gia vào loại hình du lịch này, các đất nước mang đậm màu sắc tôn giáo như: Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Ả Rập Xê-út… với kho tàng bí mật mà bất kỳ lữ khách nào cũng muốn dừng chân ít nhất một lần trong đời lại tiếp tục tập trung đầu tư vào các địa danh nổi tiếng vốn có của mình.
Điển hình như tại Ả Rập Xê-út với lượng khách quốc tế chủ yếu đến thánh địa Mecca và tham gia những chuyến hành hương Hajj, Umrah. Đất nước này đã đón 17,3 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019 và đặt mục tiêu đón 30 triệu khách du lịch tôn giáo vào năm 2030. Cùng với các dự án xây dựng như tái phát triển sân bay quốc tế King Abdulaziz, bổ sung 4 tuyến tàu điện ngầm mới đến các địa điểm tôn giáo ở thánh địa Mecca và mở rộng nhà ga dành riêng cho khách hành hương Hajj… Ả Rập Xê-út với tham vọng thu hút nhóm du khách tâm linh đang thực hiện rất tốt mục tiêu của mình.
Đặc biệt sự đầu tư của các quốc gia đối với các địa danh du lịch tâm linh không chỉ nhằm phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế mà còn hướng tới thúc đẩy và bảo tồn di sản. Đền Borobudur, ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới này từng trải qua quá trình trùng tu diễn ra vào tháng 3/2020. Ngôi đền buộc phải đóng cửa vì tình trạng bảo tồn không tốt, bao gồm các vấn đề liên quan việc phá hoại di tích, vẽ bậy, nhai kẹo cao su... Vào tháng 3/2023, ngôi đền mới được mở cửa trở lại cùng với những quy định bảo tồn mới.
Đền Borobudur- di sản thế giới UNESCO. (Ảnh: Wikipedia) |
Theo Chính phủ Indonesia, các quy định mới đã được triển khai nhằm mục đích bảo tồn ngôi đền và cũng là “bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa”. Theo đó, mỗi du khách được phát một loại dép đặc biệt có tên “upanat” để đi và phải có hướng dẫn viên là người địa phương theo sát. Những chiếc dép “upanat” được làm từ lá dứa dệt, thiết kế đặc biệt nhẹ và giúp đôi chân thoải mái.
Để ngăn chặn rủi ro gây hại cho ngôi đền như đã đề cập ở trên, du khách cần xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé và thông tin cá nhân của khách được lưu trữ trong dây đeo cổ tay, được bộ phận an ninh quét để bảo đảm tuân thủ giới hạn thời gian. Ngoài ra, khách du lịch không được phép mang thức ăn theo khi đi tham quan ngôi đền, vì vậy mọi người không thể xả rác bừa bãi như trước. Học sinh chỉ được phép vào sân, không được phép vào đền để giảm thiểu tình trạng dán bã kẹo cao su hay dùng bút xóa vẽ bậy lên điểm tham quan.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 330 triệu người đi du lịch vì lý do tôn giáo mỗi năm, tạo thành một thị trường quan trọng cho những quốc gia có các điểm tham quan mang giá trị tinh thần hoặc linh thiêng. Có thể thấy, việc nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm chính là những yếu tố quan trọng “chắp cánh” cho du lịch tâm linh lên ngôi.