Tiện ích thời công nghệ số
Không chỉ các “ông lớn” công nghệ thế giới như Amazon, Apple, Facebook, Microsoft… đã chuyển sang cách làm việc từ xa trên các nền tảng công nghệ số, mà tại Việt Nam, nhiều DN cũng đang ứng dụng nền tảng công nghệ để phục vụ sản xuất, kinh doanh của mình.
Chị Đinh Thị Thu Hằng - quản lý thương hiệu của một hãng thời trang – cho hay,công việc của chị là hàng ngày lên công ty kiểm tra các mẫu thiết kế và chỉnh sửa, nhưng từ khi có dịch, chị chuyển hẳn qua làm việc tại nhà trên máy tính xách tay kết nối Internet, vẫn điều hành tốt công việc.
Xu thế làm việc online đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, bởi không chỉ là biện pháp hữu hiệu đề phòng tránh lây lan dịch Covid-19, mà các CEO cho rằng, nhân viên của họ cũng phải thích ứng với các làm việc mới của thời công nghệ số.
Anh Nguyễn Đình Trung - CEO của Hưng Thịnh Group - cho hay, ngay từ khi Việt Nam có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Hưng Thịnh đã khuyến khích nhân viên những phòng, ban không cần phải làm việc trực tiếp thì có thể làm việc tại nhà. Sau đó, ngay cả khách hàng cần thanh toán hay cần trao đổi cũng áp dụng phương thức làm việc từ xa.
Anh Nguyễn Minh Tuấn – CEO phụ trách đào tạo của Bảo hiểm Bảo Việt - cũng chia sẻ, từ khi có dịch, thay vì công việc giảng dạy phải đứng lớp trực tiếp, anh đã tận dụng cách dạy online. “Cách này giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí. Theo tôi, ngoài những công việc cần trao đổi trực tiếp, cũng nên áp dụng làm việc online. Xã hội đang bước vào kỷ nguyên số, chúng ta cũng phải ứng dụng hiệu quả công nghệ vào cuộc sống”.
Anh Nguyễn Minh Tuấn – CEO của Bảo Việt đang chuẩn bị cho tiết giảng online của mình (Ảnh: Bảo Lan). |
“Ứng dụng công nghệ số thực sự vô cùng tiện lợi, vì tôi có thể ngồi ở bất cứ đâu, hay đang bận làm việc với đối tác, chỉ cần cái laptop có kết nối mạng và một không gian có chút riêng tư thì tôi có thể trao đổi ngay công việc với thuộc cấp của mình, mà không phải dời cuộc họp vào thời gian khác”.- chị Helen Nguyễn chia sẻ.
Những câu chuyện nhỏ ở trên cho thấy công nghệ số giải được bài toán phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh, không chỉ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn cho đời sống xã hội.
Cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số
Còn dưới góc độ của một tư lệnh ngành, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn, khi nhiều hoạt động sẽ bị đình trệ, nhưng thách thức đi liền với cơ hội, có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra thì mới xuất hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nhìn từ một góc độ khác, dịch COVID-19 gây ra cơn khủng hoảng không chỉ về mặt sức khoẻ mà còn khủng hoảng kinh tế cho một số doanh nghiệp. Rồi như một hậu quả, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, sẽ có nhiều người nhàn rỗi, vì vậy, chúng ta cũng cần ngay lập tức nghĩ đến một nền tảng số giúp những người này nhanh chóng chuyển đổi kỹ năng, tái tham gia vào thị trường lao động.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, từ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí...
"COVID-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gẫy trong sự phát triển và nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, là tạo ra các ứng dụng công nghệ số, là đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số" - Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc như thanh toán không tiền mặt, tiền di động (mobile money), công nhận và cấp chứng chỉ học trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ cũ 2G, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng...