Biến nghệ thuật thành du lịch
Từ năm 2016, Việt Nam bắt đầu có một số tour du lịch nghệ thuật kết hợp nghỉ dưỡng (artcation). Có thể kể tới, tour tham quan các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại khuôn viên Khu nghỉ dưỡng 5 sao Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc).
Trải nghiệm của du khách bao gồm thưởng thức các công trình kiến trúc độc đáo như “Forest In The Sky” với hơn 50.000 cây xanh và “Bamboo Wings” với kết cấu chính là hai bộ cánh tre tầm vông uốn cong, úp lưng vào nhau tựa cánh hạc dang rộng. Cùng với đó là những cụm tác phẩm điêu khắc nổi bật như “Sức mạnh vùng đất” của nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại, “Rừng tia nắng” của nghệ sĩ Mukai Katsumi… Du khách còn được tận hưởng làn điệu dân gian – hát Soọng Cô – của dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc.
Sự độc đáo của tour “artcation” nằm ở chỗ có thể tích hợp được nhiều giá trị nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc… trong không gian nghỉ dưỡng, thư giãn, mang lại nhiều cảm xúc, giá trị hơn cho du khách sau mỗi trải nghiệm. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn từng khen ngợi sáng kiến tour “artcation” của Flamingo Đại Lải Resort là “minh chứng cho sự sáng tạo trong nghệ thuật kinh doanh, biến khu resort trở thành một bảo tàng nghệ thuật sống động giữa thiên nhiên, tạo ra một sản phẩm du lịch khác biệt”.
Còn về những diễn biến mới đây nhất, ngay đầu năm 2021, du lịch Hội An vừa tung ra tour “artcation” tại Quần thể Công viên Ấn tượng Hội An – Hội An Memories Land, sẽ “tái hiện 400 năm vàng son lịch sử bằng nghệ thuật thực cảnh và nghỉ dưỡng đẳng cấp”. Trải nghiệm ở đây bao gồm hàng loạt các show biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An, các mini show ở khắp các khu vực trong công viên và khu nghỉ dưỡng, nhằm dẫn dắt du khách qua “dòng chảy” lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng Faifo-Hội An. Không đơn thuần là một chương trình biểu diễn, đây là một công trình nghệ thuật với sự kết hợp công phu của hàng trăm nghệ sĩ. Cùng với đó là những dịch vụ sang trọng phục vụ trải nghiệm nghỉ dưỡng của du khách.
Đáng nói, vào khoảng năm 2016, loại hình “artcation” vẫn còn khá lạ lẫm và mới mẻ đối với du khách. Muốn lôi kéo du khách tham gia các tour nghệ thuật kết hợp nghỉ dưỡng cũng không hề dễ dàng bởi loại hình này tương đối kén người tham gia. Đơn cử, người tham gia phải là người quan tâm đến nghệ thuật, có gu thẩm mỹ, có hiểu biết về nghệ thuật để cảm nhận cái hay và đẹp của các tác phẩm… Mặt khác, đối tượng khách du lịch chuyên đề lại có yêu cầu khá cao về mặt chuyên môn nghệ thuật. Để phục vụ được dòng khách này, các hướng dẫn viên, nhân viên điều phối và chăm sóc khách hàng cũng cần có trình độ về nghệ thuật.
Đến nay, mặc dù mô hình “artcation” đã được đón nhận bởi đông đảo du khách hơn nhưng số lượng sản phẩm du lịch này trên thị trường vẫn còn quá ít ỏi.
Nhiều du khách chỉ yêu thích múa rối nước, ít biết đến các loại hình nghệ thuật khác. |
Mô hình “kén khách”
Theo một số nhà tổ chức tour, các tác phẩm được trưng bày tuy có giá trị nghệ thuật cao nhưng không phải ai cũng có thể hiểu sâu sắc về ý nghĩa của nó, khiến tour “artcation” có thể trở nên tẻ nhạt với du khách. Đơn cử, ngay tại Thủ đô Hà Nội – nơi có thế mạnh về các loại nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống, người làm du lịch vẫn “loay hoay” bao năm nay để tìm đường khai phá “mỏ vàng” của xu hướng “artcation”.
Có thể thấy ở hầu hết các hành trình khám phá Hà Nội của các công ty lữ hành đều không thể thiếu phần thưởng thức nghệ thuật, nhất là các tour dành cho du khách nước ngoài. Ví dụ thành công điển hình nhất phải kể đến Nhà hát Múa rối Thăng Long – đơn vị nhiều năm liên tiếp được Tổ chức Kỷ lục thế giới trao danh hiệu “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm” – với những chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước chất lượng, thu hút đông đảo du khách.
Đến Hà Nội, du khách cũng không thể không biết đến những điểm đến thưởng thức ca nhạc như Nhà hát Chèo Hà Nội, Rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Rạp Công Nhân của Nhà hát Kịch Hà Nội,…; cũng như các bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Nhân học…; cùng rất nhiều phòng tranh, phòng trưng bày nghệ thuật khác như Phòng tranh 3D, Blue Gallery, Heritage Sapce,… Thông thường, các công ty lữ hành liên kết với các điểm đến nghệ thuật sẽ chỉ chú tâm vào trải nghiệm tại điểm đến đó, hầu như không tập trung vào trải nghiệm nghỉ dưỡng của du khách. Những du khách đi tour thường có lịch trình dày đặc, đến mỗi nơi chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa kịp cảm nhận đã phải di chuyển đến điểm đến khác. Do vậy, các sản phẩm kết hợp nghệ thuật vào du lịch và nghỉ dưỡng hầu như chưa thành hình.
Tuy Hà Nội cũng có nhiều chương trình hướng đến phục vụ khách du lịch thông qua các giá trị nghệ thuật nhưng để khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt này lại không hề dễ dàng, yêu cầu các đơn vị phải liên tục đổi mới, sáng tạo, có sức hút hơn với du khách. Ngay cả với Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhiều công ty lữ hành và du khách đã phản ánh Nhà hát cần nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ tốt hơn thì mới giữ vững được vị trí “điểm đến nóng nhất” để xem múa rối nước tại Thủ đô, trong khi ngày càng có nhiều điểm đến khác cũng biểu diễn loại hình này tại Hà Nội.
Chưa kể, trong khi phần đông khách du lịch chỉ thích rối nước Việt Nam, các bộ môn nghệ thuật khác như diễn xướng, cải lương, hát xẩm, ca trù, xiếc,…, nhận được sự quan tâm “khiêm tốn” hơn hẳn. Đa phần các đơn vị, các câu lạc bộ nghệ thuật tại Hà Nội đều phải “vất vả” tìm cách kéo du khách đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Phần lớn các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Thủ đô còn diễn ra nhỏ lẻ, truyền thông chưa đủ tốt để tiếp cận đến đông đảo du khách. Dù có những chương trình nghệ thuật hay, hấp dẫn nhưng việc bán vé lại vô cùng vất vả, cộng thêm việc không chủ động được địa điểm biểu diễn, thiếu hụt doanh thu khiến nhiều đơn vị, câu lạc bộ nghệ thuật phải “đứt gánh giữa đường”.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Thủ đô Hà Nội mà gần như đã là tình trạng chung tại các tỉnh, thành khác trong nước. Những vấn đề nan giải hơn cho mô hình “artcation” không chỉ là “làm sao để thu hút được nhiều du khách hơn”, “làm sao để tạo ra các sản phẩm hoàn thiện và hấp dẫn hơn”; mà còn là “làm sao để các nghệ sĩ thực lực bám nghề”, “làm sao để nâng cao gu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ của cộng đồng”.
Dự án nghệ thuật cộng đồng “Phố bên đồi” tại dốc Nhà Làng, TP Đà Lạt trở thành một điểm mạnh thu hút du khách. |
Nhưng đang có nhiều tín hiệu tích cực
Mặc dù để thúc đẩy mô hình tour “artcation” phải triển tại Việt Nam còn nhiều gian nan nhưng nếu làm được, “artcation” hứa hẹn sẽ là một mô hình thú vị, đặc sắc với đông đảo du khách. Đáng nói, mô hình này đang nhận được sự quan tâm của giới chức trách, giới chuyên môn cũng như đông đảo quần chúng trong xã hội. Đơn cử, “đưa nghệ thuật công cộng vào kiến tạo các điểm đến du lịch” là ý tưởng được dư luận quan tâm, lan toả vào khoảng cuối năm 2020.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia đã đánh giá: “Những năm gần đây, ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án của Nhà nước – hướng về nghệ thuật dân gian, đề cao bản sắc văn hoá. Cá nhân tôi cũng như cộng đồng sáng tạo đánh giá rất cao hiệu quả từ mỗi công trình đến lĩnh vực du lịch”.
Theo đó, các chuyên gia tin tưởng rằng nghệ thuật công cộng sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành biểu tượng mang tính bản sắc của mỗi địa danh trên dải đất hình chữ S. Bởi lẽ, nghệ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng để xây dựng một xã hội đáng sống và những con người có thẩm mỹ. Trong khi đó, không gian công cộng đang thu hút đông đảo giới trẻ những năm gần đây để giao lưu, trải nghiệm, và tôn vinh các giá trị văn hoá – nghệ thuật, chính trị - xã hội. Như vậy, nghệ thuật công cộng kết hợp với du lịch hứa hẹn sẽ là một hướng đi “vẹn cả đôi đường” đối với giới du lịch, giới nghệ thuật, giới kinh doanh, các nhà quản lý nhà nước và cộng đồng cư dân bản địa.
Mong rằng những tín hiệu tích cực sẽ còn xuất hiện nhiều hơn ở các sự kiện tiếp theo để “artcation” trở thành một xu hướng thành công tại Việt Nam, góp thêm một “món ăn mới lạ” cho ngành Du lịch Việt Nam.