Dùng cây đánh mẹ tử vong
Sáng ngày 1/8, ông Võ Văn Thế qua nhà chị ruột của mình là bà Võ Thị Mai (68 tuổi, ở khu dân cư 35, thôn Văn Hà, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) thì tá hỏa phát hiện bà này nằm chết giữa nhà với nhiều vết máu, trên mặt, đầu bầm tím, trên lưng còn nhiều vết thương khác. Ngay sau đó, ông Thế hô hoán hàng xóm đến và trình báo vụ việc đến công an.
Qua việc khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an nhận định đây là vụ án mạng nên tiến hành lấy lời khai các nhân chứng. Sau thời gian đấu tranh, bà Trần Thị Lộc (47 tuổi, con gái bà Mai) đã khai nhận ra tay sát hại mẹ ruột của mình.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lộc khai nhận, sáng ngày 1/8, trong lúc bực tức đã xô bà Mai ngã. Sau đó, Lộc nảy sinh ý định sát hại mẹ ruột mình.
Biết bà Mai bị huyết áp cao nên Lộc mua 2 lon nước uống tăng lực đem về đưa cho mẹ uống để tăng huyết áp mà chết. Tuy nhiên, thấy bà Mai vẫn còn sống nên Lộc dùng tay và cây gỗ đánh mẹ đến tử vong.
“Tôi nuôi mẹ tôi nhiều năm qua. Vất vả lo vệ sinh mỗi khi mẹ đau ốm. Trong khi tôi cũng sức yếu, đi buôn bán. Chịu không nổi nên tôi muốn mẹ chết sớm để tôi không còn phải khổ”, Lộc khai tại cơ quan công an.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã 47 tuổi nhưng bà Lộc vẫn độc thân. Trước đây, có thời gian bà Lộc bỏ nhà đi biền biệt. Đến năm 2010 thì quay trở lại sinh sống với bà Mai. Khi trở về, bà Lộc bụng mang bầu, sau đó sinh một bé trai nay đã chuẩn bị vào lớp 3.
Được biết, bà Mai già cả ốm yếu, lại thêm chứng bệnh thoát vị đĩa đệm hoành hành nên suốt nhiều năm không lao động được. Kinh tế cả nhà trông vào số tiền hỗ trợ của Nhà nước khoảng 900.000 đồng/tháng. Bà Lộc có buôn bán nhỏ nhưng không được suôn sẻ nên cuộc sống gia đình khó khăn.
Sẽ tiến hành giám định tâm thần
“Thời gian gần đây bà Lộc có nhiều biểu hiện như người bị tâm thần, thường la mắng và bạo hành mẹ ruột. Hàng xóm cũng thương cho bà Mai nhưng không ai dám qua nhà vì tính bà Lộc rất hung hăng. Cách đây khoảng chục ngày, tôi có đến nhà thăm bà Mai thì thấy tay bà bị gãy nhưng không được đưa đi băng bó. Tôi có hỏi thì Lộc bảo do bực tức nên xô ngã mẹ gãy tay”, bà Nguyễn Thị Quất (hàng xóm bà Mai) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tịnh (hàng xóm bà Mai) cho biết: “Chồng mất sớm, bà Mai ở vậy nuôi con gái duy nhất của mình nên dồn hết tình cảm cho con. Có ai ngờ chính đứa con của bà lại ra tay sát hại bà như vậy. Giờ chỉ thấy tội cho đứa cháu nhỏ, không biết mai mốt sống sao”.
Đối tượng Trần Thị Lộc. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi bà ngoại tử vong, mẹ bị bắt, con trai của bà Lộc đã được ông Thế giám hộ và chăm sóc.
Đại tá Võ Văn Dương - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các lực lượng điều tra hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án. “Chúng tôi cũng sẽ trưng cầu giám định tâm thần với bà Lộc để có các quyết định tiếp theo”, Đại tá Dương cho biết.
Theo các luật sự, cho dù hoàn cảnh có nghèo khó thế nào thì hành vi ra tay giết mẹ ruột của bà Lộc là không thể chấp nhận được. Việc làm này không chỉ vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn vi phạm cả vấn đề đạo đức con người.
Nếu những lời khai của bà Lộc phù hợp với những dấu vết trên cơ thể nạn nhân, phù hợp với các dấu vết để lại trên hiện trường và vật chứng vụ án, phù hợp với lời khai của người làm chứng thì bà Lộc sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Chữ Hiếu có sẵn trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn con người. Cho tới nay dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại, thì ý nghĩa chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình, và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành.
Trách nhiệm là làm sao để bậc sinh thành luôn vui mừng, yên tâm, tự hào về mình. Một phần nữa là chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ. Nếu chúng ta sống đạo đức, tốt đẹp tức là biết bảo vệ mình, không bị đánh mất mình trước những biến đổi của xã hội. Đây cũng chính là thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ.
Mỗi con người, hiếu hạnh là cội nguồn để sinh ra muôn vàn đức tính khác. Gốc này không có, hoặc giảm sút thì con người sẽ trở thành khô cằn, không tìm được lẽ sống tốt đẹp ở đời. Nếu ta bị những giá trị vật chất chi phối, chạy theo vật chất, quên đi giá trị sống tốt đẹp, nhân văn thì tâm hồn chúng ta sẽ trống trải hoang vắng. Mối quan hệ giữa người với người không còn tình, dẫn đến cái cao quý nhất là mối quan hệ phụ tử, huynh đệ bị lung lay, tổn thất. Thậm chí có không ít trường hợp cha mẹ bị con cái đối xử thô bạo, đánh chừi, nguyền rủa.
Tình cảm thiêng liêng nhất đã bị họ chà đạp thì không phải đợi quả bảo kiếp sau, mà ngay trong hiện tại họ đã phải sống trong quả báo. Đó là sự bất an, bị chê cười, không tìm được niềm vui trong cuộc sống, không thể có hạnh phúc an lành. Và họ còn bị pháp luật xử lý. Nhân quả rất kề cận với nhau. Hãy thử nghiệm, nếu chúng ta có tâm hiếu với cha mẹ, anh em thì từ tâm hiếu kính này sẽ có ứng xử tốt với cha mẹ, anh em, cộng đồng. Từ đó ta thấy cuộc sống thanh thản, tự tại.
-Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân - Phó văn phòng TW Giáo Hội Phật giáo Việt Nam