Chưa xác định được có “trục lợi” hay không
Theo đó, sau khi nhận được thông tin Sở đã chỉ đạo Chi cục thú y tỉnh phối hợp với phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hải Dương, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra, xác minh.
Kết quả cụ thể, từ ngày 8/4 đến ngày 16/5, UBND xã Bình Lãng đã thực hiện tiêu hủy 670 con lợn của 77 hộ chăn nuôi gồm 147 con lợn nái, 523 con lợn nhỏ và lợn thịt với tổng trọng lượng là hơn 52 tấn. Trong quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã bước đầu đã nghi ngờ 6 hộ gia đình khai báo có lợn nái mắc bệnh phải tiêu hủy. Lý do là các chủ lợn không có đủ điều kiện về chuồng trại để chăn nuôi lợn nái. Ban chỉ đạo xã đã tách riêng các hộ trên để theo dõi, chưa đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ thiệt hại.
Đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đã kiểm tra thực tế 6 hộ chăn nuôi trong danh sách trên, kết quả kiểm tra cho thấy: Các hộ đều có lợn tiêu hủy là thật nhưng về điều kiện chuồng trại không đáp ứng cho việc nuôi lợn nái. Các hộ này đều không có tên trong danh sách các hộ chăn nuôi của xã tại thời điểm tháng 3 (thống kê tiêm phòng) và thời điểm 16/4 (sau khi dịch đã xảy ra).
Từ đó, sở NN & PTNT tỉnh Hải Dương, đề nghị chính quyền địa phương chưa đưa 6 hộ trên vào danh sách được hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ sự việc, từ đó làm căn cứ, cơ sở để xem xét xử lý theo đúng quy định.
Xã, huyện phản hồi
Bên cạnh đó, UBND xã Bình Lãng, UBND huyện Tứ Kỳ cũng có báo cáo giải trình về sự việc ngoài nội dung có 6 hộ nghi vấn như đã nêu ở trên.
Chính quyền địa phương cho rằng, thông tin báo chí phản ánh chiếc ô tô chở lợn không rõ nguồn gốc “chạy bon bon trên đường làng” qua “chốt không có người gác” là không chính xác. Cụ thể chiếc xe mang biển BKS 34C.224 – 12 do Ngô Văn Thanh (SN 1973, địa chỉ xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng) điều khiển vào xã Bình Lãng theo lối từ xã Tái Sơn (huyện Tứ Kỳ) đi xuống, không qua chốt kiểm dịch. Chủ xe đang giao 4 con lợn cho hộ anh Nguyễn Sách Trượng (là người chuyên mổ lợn ở thôn Thượng Hải) thì bị lực lượng của tổ công tác bắt giữ và đưa về trụ sở ủy ban.
Cũng theo báo cáo, trong suốt quá trình giữ phương tiện, làm việc với chủ xe, chủ lợn đều có sự chứng kiến, ghi hình, ghi âm của phóng viên. Đoạn chiếc xe chạy trên đường làng được ghi lại khi phóng viên ngồi cùng xe máy với trưởng ban chỉ huy quân sự xã. Hình ảnh “chiếc xe đi qua chỗ chốt kiểm dịch không có người” là khi phương tiện đang quay đầu vào trụ sở. Đồng thời, Ban chỉ đạo đã có biên bản làm việc với người mua lợn, xác định số lợn trên có nguồn gốc và khỏe mạnh. Từ đó, UBND huyện Tứ Kỳ và UBND xã Bình Lãng cho rằng, báo chí phản ảnh việc “báo đi báo lại nhiều lần dịch trên 1 đàn lợn để trục lợi” là không đúng sự thật.
Trước đó, báo chí phản ánh hiện tượng tại xã Bình Lãng (Tứ Kỳ, Hải Dương) "nhiều hộ dân dù không có chuồng trại hoặc có chuồng trại để nuôi gà, nuôi thỏ… cũng khai báo nhà có heo chết để được hỗ trợ. Thậm chí còn đánh tráo hoặc dùng một đàn heo khai báo nhiều lần để trục lợi trên chính những con heo bệnh. Hiện tượng này khiến nhiều người dân địa phương không giấu được nỗi bức xúc vì nghi ngờ có sự gian lận".
Ngày 21/5, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc hiện tượng trục lợi từ dịch tả heo châu Phi ở huyện Tứ Kỳ. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp “trục lợi” từ việc tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi (nếu có).