Xôn xao chuyện 'thưởng - xin' mùa lễ hội ở Bắc Ninh, 'người quan họ' nói gì?

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc người nghe thích thú thưởng cho các liền anh liền chị một chút tiền được những nghệ nhân quan họ hiểu rằng đây là một sự động viên, khích lệ người hát, là điều rất đỗi bình thường...

Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng.

Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người hát Quan họ.

Trước đây, các liền anh, liền chị ở những làng quan họ đến đồi Lim với mục đích giao duyên với nhau là chính, họ không để tâm đến yếu tố khán giả và cũng không quan tâm đến sự tưởng thưởng của du khách.

Theo quan niệm của người xưa, nghệ nhân hát Quan họ là những người có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều “giọng” Quan họ. Họ chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh.

Việc các nghệ nhân hát hay, ngả nón mời trầu và du khách thưởng tiền là điều hết sức bình thường chứ không phải các liền anh, liền chị đi đến đâu là ngả nón ra để xin tiền của các du khách trẩy hội.

Liền chị Nguyễn Kim Thanh - Câu lạc bộ quan họ xã Tri Phương, huyện Tiên Du, chia sẻ: "Nhiều khi các du khách khi nghe hát thấy hay, khi mời trầu thì du khách "thướng" (từ ngữ dân gian - gần đồng nghĩa với "thưởng" - PV) tiền, chúng tôi nhận để đáp lại lòng mến mộ của khách. Nếu chúng tôi không nhận thì khách có thể nghĩ là coi thường, không tôn trọng du khách. Trường hợp quan họ hát, rồi tự nhiên ngửa nón ra để xin tiền thì đó là hình ảnh xấu và chắc chắn chúng tôi sẽ phản đối. Nếu du khách không mến mộ, không "thướng" tiền thì chúng tôi vẫn hát cả ngày và phục vụ như thế, không bao giờ ngả nón xin tiền hoặc có một hình thức gì để vòi tiền của du khách".

“Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên”. Tình nghĩa “chạ anh, chạ em” của người Quan họ nghìn đời nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh (thôn Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du) cho biết, mùa Xuân trảy hội, tạm gác việc nhà, việc đồng áng, sản xuất, người Quan họ đón bạn đến hát hội vui xuân cho tàn canh, mãn vó. Người Quan họ hát để diễn tả tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, đối đáp với nhau vì nghĩa, nể nhau vì tài chứ có phải vì cuộc sống khó khăn đâu mà phải đi hát mưu sinh, ngửa nón xin tiền.

“Người Quan họ không xin tiền ai cả. Tôi hát, người nghe thấy hay tán thưởng. Miếng trầu cánh phượng đẹp, anh chị muốn ăn, muốn mang về làm kỷ niệm để cảm tạ công sức người têm trầu, để bù đắp phần nào vật chất làm ra những khẩu trầu đẹp cho những người tiếp theo muốn nhận thì việc trả tiền cũng thật nhân văn”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh khẳng định và nhấn mạnh: "Cổ nhân có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Người Quan họ không bán lời ca, tiếng hát nhưng luôn trân trọng tình cảm, thậm chí cả vật chất của những ai biết thưởng thức và yêu quý".

NSƯT Xuân Mùi cho rằng "thướng tiền" là mỹ tục, là một hình ảnh đẹp.

NSƯT Xuân Mùi cho rằng "thướng tiền" là mỹ tục, là một hình ảnh đẹp.

Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, "nét làm nên đặc sắc của Hội Lim là hát quan họ, nhiều người không hiểu đã đưa ra hình ảnh “ngửa nón xin tiền” làm xấu đi hình ảnh của các liền anh, liền chị".

NSƯT Xuân Mùi cho biết “thướng tiền” là từ của dân gian, nói cách khác đây là từ thưởng nhưng nghe cao sang hơn, vì vậy, người xưa hay dùng từ "thướng" thay cho từ "thưởng".

"Việc “thướng tiền” của người nghe là tùy tâm, "thướng tiền" không phân biệt mệnh giá và giá trị, miễn là thành tâm. Nói cách khác từ “thướng tiền” ở đây được coi là “mỹ tục”, là những hình ảnh đẹp đã có từ xa xưa", NSƯT Xuân Mùi thông tin thêm.

Ông Đào Đình Khoa - Phó Tổng biên tập Báo Bắc Ninh cho rằng, cứ vào mùa lễ hội, dư luận lại “dậy sóng” chuyện hát Quan họ sử dụng loa máy, ngửa nón xin tiền… Những hình ảnh “phản cảm”, không đẹp ở lễ hội đáng bị phê phán là lẽ đương nhiên. "Một bộ phận người yêu Quan họ đến mức “cực đoan” cứ gán ghép cho hình ảnh các liền anh, liền chị hát trên thuyền rồng bên ao làng, trước cửa chùa , hát bên mái đình ngửa nón quai thao nhận tiền thưởng của người nghe, người xem là hành động xin tiền, là hành động xấu. Tuy nhiên, phải hiểu thấu đáo vấn đề, khán giả mến mộ người hát Quan họ, khán giả thưởng tiền, động viên người hát, để rồi người nghệ sĩ càng thêm phấn khích, người thưởng thức được nghe thêm tác phẩm hay", ông Khoa nói.

Ở một góc nhìn khác, xã hội phát triển, theo qui luật kinh tế thị trường, tất cả những sản phẩm âm nhạc dần dần sẽ trở thành một sản phẩm hàng hóa. Một sản phẩm trình diễn thương mại thì việc nhận tiền hay là trả thù lao âu cũng là lẽ thường tình. Việc giúp các Câu lạc bộ quan họ có nguồn thu để tồn tại và duy trì những canh hát quan họ đắm say cũng là việc làm cần thiết. Thực tế, hát quan họ cũng là một hình thức lao động nghệ thuật của các liền anh, liền chị.

Ông Nguyễn Đại Đồng – Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cho biết, Lễ hội Lim năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày, ngày 21-22/2/2024 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại 03 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó Trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) thị trấn Lim.

Theo ông Đồng, ngày 22/1/2024, Ban chỉ đạo lễ Hội Lim xuân Giáp Thìn đã ra kế hoạch số 02/KH-BCĐ về việc quản lý, tổ chức lễ hội Lim xuân Giáp Thìn có lưu ý về các điểm hát quan họ nhận tiền “thướng” của du khách phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống. Khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.

Để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, ông Đồng cho rằng cần có sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc, quảng bá Di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh và hình ảnh lễ hội trong mắt du khách thập phương và bạn bè quốc tế, để Hội Lim luôn là “Điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn".

Đọc thêm

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc
(PLVN) - Trong không khí tưng bừng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Phóng viên Báo PLVN có dịp đến thăm Hòa thượng Hữu Hinh - Trụ trì chùa Ghositaram (còn gọi là chùa Cù Lao). Một ngôi chùa Khmer cổ đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Một số điểm mới giúp hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Ảnh minh họa!
(PLVN) - Nghị định số 95/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã có nhiều điểm mới nổi bật hơn so với Nghị định 162/2017, góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới...

Những hình ảnh ấm áp của hành trình thiện nguyện “Sống yêu thương”

Những hình ảnh ấm áp của hành trình thiện nguyện “Sống yêu thương”
(PLVN) -  Chương trình thiện nguyện của Ban Doanh nhân Pháp luật - Báo Pháp luật Việt Nam - đã kết thúc tốt đẹp nhưng những cảm xúc bồi hồi vẫn còn đọng lại trong những người tham gia chương trình. Nhiều hình ảnh rưng rưng vẫn còn được lưu giữ, như nhắc nhở chúng tôi phải luôn tâm niệm “Sống yêu thương”...

Sức khỏe tinh thần, xin đừng bỏ qua!

Tinh thần lạc quan, tích cực có tác dụng lớn với con người. (Ảnh minh họa - Nguồn: leep.app)
(PLVN) - Sức khỏe về tinh thần quan trọng không kém thể chất. Một người muốn sống lành mạnh, hạnh phúc, cần cân bằng giữa việc rèn luyện cả bên trong và bên ngoài.

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía
(PLVN) - Sáng ngày 31/3/2024, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã long trọng tổ chức lễ Khánh thành Đình làng Tía. Đây là ngôi Đình được xây dựng từ lâu đời, nơi thờ thành hoàng làng và những người có công khai phá xây dựng và bảo vệ làng xóm.

“Tháng 3 giỗ mẹ” - tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (ảnh: Báo Công luận)
(PLVN) - Từ sâu thẳm trong tâm thức văn hóa dân gian, hàng trăm năm nay, khắp trong Nam, ngoài Bắc, Nhân dân ta luôn có sự ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin ở Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ - người mẹ của muôn dân. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều nơi tâm linh đã tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trang trọng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bồ tát Phổ Hiền là ai?

Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo.
(PLVN) - Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

'Quá tải' chữa lành

Hiện nay có nhiều tổ chức, nhóm lợi dụng nhu cầu chữa lành của mọi người để trục lợi, kiếm tiền. (Ảnh minh họa, nguồn: An Space)
(PLVN) - Hiện nay, chữa lành không những chỉ dùng để hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần con người, mà dần trở thành trend (xu hướng). Không khó để thấy hai chữ “chữa lành” hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ những chương trình, hoạt động đến sách vở, món ăn,... Một xu thế tưởng chừng rất lành mạnh, nhưng dần trở nên mất giá trị vì những hoạt động “tràng giang, đại hải”.