Nói đến xóm trọ sinh viên, ai cũng có thể hình dung là một dãy trọ nhiều phòng với một lối nhỏ dẫn vào. Phía cuối là khu “dịch vụ tổng hợp” gồm bể nước, nhà tắm nhà vệ sinh được xây sít nhau. Tường bể nước hay nhà vệ sinh đều chung một màu đen sì, rêu xanh bám dày.
Tần Đức Hiệp đang cố khơi thông cống thoát nước trước cửa phòng trọ |
Sống chung với rác
Tần Đức Hiệp sinh viên Trường ĐH Dân lập Hải Phòng thuê nhà trọ phía sau khu Khách sạn sinh viên của trường. Từ ngách 292/181 Hào Khê, rẽ sâu vào một ngách nữa mới đến được khu trọ 6 phòng. Lối đi trước mặt phòng trọ chỉ rộng chừng một mét, còn bị những túi rác nằm ngổn ngang “chắn lối”, rác lẫn trong đám nước đọng, ruồi nhặng bâu đầy. Lối ra vào cũng là chỗ duy
nhất để gần 20 sinh viên xóm trọ phơi quần áo, lúc nào nước cũng nhỏ tong tong làm lối đi càng thêm nhớp nháp.
Phòng trọ thấp và xập xệ, ban ngày mà trong phòng có cảm giác như chiều muộn, chiếc quạt cây bật hết công suất không đủ xua tan bầu không khí ngột ngạt, nồng mùi nước cống xen lẫn rác thải lên men. Bước ra phía khu vực sinh hoạt chung của các cư dân ở đây thấy giật mình.Nền nhà vệ sinh, nhà tắm thấp bằng diện tích sinh hoạt ngoài sân, nên ngoài sân tắc thì nhà tắm cũng ứ nước. Mà cảnh tắc diễn ra thường xuyên vì bao nhiêu cọng rau, cơm thừa, túi ni lông, hộp xốp đựng đồ ăn nằm la liệt khắp nơi. Bát đĩa rửa xong được phơi ngay cạnh đống rác; quần áo phơi bên trên, rác ở dưới. Mấy ngày qua, mưa ngâu cộng thêm ảnh hưởng của bão số 3, khiến xóm trọ càng ngập trong bùn rác. Cống thoát nước duy nhất của cả khu trọ bị tắc. Hiệp lấy que khời thông cống, vớt bớt rác sang một bên, than thở: “Xóm trọ thế này đây, nhưng sinh viên chúng mình cũng phải chấp nhận . Ai có tiền tìm chỗ trọ khác cao ráo sạch sẽ hơn”.
Sống hai năm ở ký túc xá, sang năm thứ ba cũng là năm cuối, Thu Nga, sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng quyết định chuyển ra ngoài, ở khu nhà trọ cuối ngách 87 Hào Khê, phường Kênh Dương, với giá thuê phòng 450.000 đồng/ tháng để tiện việc đi lại, học tập và tìm việc làm thêm. Quả thật, lúc đầu mới đến xóm trọ, Nga không khỏi “rùng mình”. Trong phòng tối tăm, ẩm thấp, Nga khắc phục được, những khi sinh hoạt bên ngoài thì đành bó tay. Ví dụ như lúc Nga đang rửa rau, bên cạnh người khác đang giặt đồ, hay có người đang tắm dội nước ào ào, muốn chậu rau không bị văng nước xà phòng hay nước bẩn cũng khó tránh.
Người dọn thì ít, người bày ra thì nhiều
Trên thực tế, không phải xóm trọ sinh viên nào cũng trong tình trạng “bẩn kinh hoàng” như vậy. Nhưng tồn tại những khu trọ như trên có nguyên nhân do ý thức giữ vệ sinh chung của nhiều sinh viên chưa tốt, tâm lý “cha chung không ai khóc”, người dọn thì ít, kẻ bày thì đông, khiến môi trường sống càng ô nhiễm.
Phạm Thành, sinh viên năm thứ 2 khoa kinh tế Trường ĐH Hàng hải nói vui: “Chỉ có đói mới sợ, chứ sống bẩn một chút không chết được. Trước đây, em ở nhờ nhà cậu ruột bên Quán Trữ (quận Kiến An), nhưng đi lại xa quá, không tiện cho việc học tập, đành thuê trọ ở ngõ 88, đường Đại học dân lập, phường Dư Hàng Kênh (Lê Chân). Lúc mới ra đây, nhìn cảnh xóm trọ bẩn thỉu, rác rưởi lung tung, ruồi nhặng bay đầy, có bữa không nuốt nổi cơm. Bây giờ thì vô tư rồi”.
Còn việc dọn vệ sinh tập thể, khu trọ có phân công người trực nhật, nhưng Thành thật thà: “Mọi người ai cũng làm qua loa cho xong chuyện. Phần vì bận, phần vì ai cũng như mình. Làm cũng chẳng sạch hơn, thôi thì cứ làm cho xong việc”.
Điều kiện vật chất ở các khu nhà trọ vốn ẩm thấp lại thêm sinh viên ý thức không cao, nên vệ sinh môi trường càng thêm bẩn. Tần Đức Hiệp phàn nàn: “Có mỗi việc xách rác ra ngoài ngõ chính để xe rác đi thu gom mà không ai chịu làm, cứ tiện tay vất ngay ra lối đi. Cống tắc cũng không ai thông và lấy bớt rác đọng. Chỉ một mình làm không lại với bao người bày ra”.
Để cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường ở các xóm trọ sinh viên, các chủ nhà trọ cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo những hư hỏng hệ thống thoát nước, khu vệ sinh; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu sinh viên chấp hành các quy tắc giữ vệ sinh. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là mỗi sinh viên tự ý thức giữ vệ sinh chung; mỗi khu trọ xây dựng quy ước và phân công nhau trực nhật, phê phán thói sống vô trách nhiệm “cha chung không ai khóc”. Có như vậy môi trường sống ở khu trọ được cải thiện, góp phần bảo vệ sức khỏe, ổn định học tập của mỗi người và xây dựng hình ảnh đẹp về xóm trọ sinh viên.
Hoàng Mai