Sáu người với đủ lứa tuổi đến từ khắp mọi nơi chen nhau trong một căn phòng khoảng 12m2. Ở họ đều có điểm chung là nghèo và mang trong mình trái tim bệnh tật. Nhiều người gọi đây là xóm trọ của những trái tim bệnh tật, họ đến rồi đi, vì giá phòng trọ chỉ tính theo ngày. Chủ trọ ít cho thuê theo tháng và những người bệnh cũng không đủ tiền ở lâu.Nhà trọ hay máy chém tim! Căn phòng chưa tới 12m2 chỉ che chắn bằng những tấm ván được chủ trọ hét giá 60.000đ/người/ngày đêm. "Ở đây luôn thiếu phòng chứ không thiếu người đến xin trọ. 60.000đ/ngày đêm là hữu nghị lắm rồi. Ở thì cho xin trước tiền cọc 3 ngày, trọ ngày nào tính tiền ngày đó... có ở hay không"? Cò của một nhà trọ gần Viện tim TP.HCM ngã giá với chúng tôi. Trong xóm trọ này, chúng tôi bắt gặp ít nhất có từ 4 - 6 người chen nhau ở trọ trong một căn phòng chật hẹp. Gần một tuần chờ chực ở viện tim để đến lượt mình làm thủ tục cho đứa con gái 12 tuổi chữa tim, anh Nguyễn Thành Đẹp (quê Bến Tre) trở nên bơ phờ, mệt mỏi. Những đồng tiền ít ỏi chắt góp được, hằng ngày cứ tuôn ra, trong khi đó chưa biết chắc cơ hội chữa tim cho con gái mình.
Anh lo lắng kể: "Đủ các thứ tiền, ngày hơn trăm ngàn, sống ở đây năm ba ngày thì cầm cự được, chứ mười bữa nửa tháng thì tiền ăn cũng không có lấy đâu tiền chữa chạy". Trên gương mặt sạm đen của người đàn ông này chứa chất nhiều điều lo lắng. Nào là tiền trọ, tiền thuốc, tiền ăn, tiền đi lại, liên lạc... anh phải bỏ quê lên thành phố lo kiếm việc làm. Cũng tại khu trọ này chúng tôi bắt gặp chị Liên đang đợi ngày mổ tim cho đứa con trai mình. Anh Nghĩa chồng chị vừa về Quãng Ngãi để vay tiền và đem gạo vào tìm cách nấu ăn trước những phần cơm đắt đỏ ở đây. Chỉ còn lại mình chị Liên với đứa con trai, chị nói trong nước mắt: "Mình mỗi ngày ăn một bữa cũng không sao, nhưng thằng nhỏ thì phải thuốc men, ăn uống đầy đủ để đợi ngày mổ tim, cha mẹ nào chẳng vậy, sao nỡ bỏ con mình". Phần cơm 18.000đ trước khu trọ chỉ leo queo vài miếng thịt, ít rau muống luộc bầm nát, thậm chí ăn cơm còn không có nước uống. Những chiếc "máy chém" ở trước Viện tim tích cực nâng giá, làm giá đối với những bệnh nhân nghèo. Chị Liên nói như trút giận: "Tui biết ở đây chặt chém, người ta thông đồng giá cả hết chẳng ai bán rẻ đâu, một chai nước lọc 1.500ml bị chém 16.000đ hơn cả một bình nước 20l, làm giàu vậy coi sao được...". Những người đến đây chờ mổ tim, chữa tim đều rất nghèo, chắt chiu đồng nào hay đồng đó. Thế nhưng, con đau, chồng đau hay vợ đau đều phải dắt cả gia đình đi, vì thế gánh nặng thuốc men, gạo tiền càng trở nên chồng chất. Như gia đình anh Nguyễn Thành Đẹp phải gán chiếc ghe lấy 20 triệu đồng để chữa trị cho con, nhưng giờ đây bệnh tim của con anh lại tái phát. Tài sản còn lại giá trị nhất là căn nhà, niềm tin và nghị lực của anh cũng sắp lung lay.Những lời ước nguyện dán lên tường "Mẹ khẩn cầu bằng những tờ rơi được dán ở bệnh viện, nhà thuốc, trong thành phố, còn con khẩn cầu bằng những lời ước nguyện được dán lên tường...".
Chị Liên (người không mang kính) và đứa con trai chị đang chờ ngày mổ tim trong khi anh Nghĩa về Quảng Ngãi để xoay sở tiền |
Bé Huỳnh Thị Ngọc Vy, 11 tuổi đang trọ ở đây hồn nhiên giải thích về những mẩu giấy em dán trên tường. Em bị bệnh tim bẩm sinh, lúc 7 tuổi phát hiện ra, từ đó tất cả tài sản trong nhà của anh chị Huỳnh Văn Lực lần lượt ra đi. Từ Đắk Nông ngược ra miền Trung, vào miền Nam, bốn năm nay anh chị không lúc nào nghỉ ngơi tìm kiếm cơ hội để trái tim của đứa con gái mình được đập tiếp trong quãng đời còn lại. Chị nói: "Đã có lúc tôi kêu gào trong nước mắt, trong vô vọng. Trời ơi! Nó có 11 tuổi mà phải chết sao!". Bình thường bé vẫn hồn nhiên cười đùa, nhưng khi lên cơn đau người tím ngắt đi, co giật vì khó thở vì quằn quại, vì đau đớn. Trong căn phòng của chị Lực và bé Vy đang ở còn có hai mẹ con chị Liễu, con chị mổ tim cách nay hai ngày rồi nên chị chưa về nhà trọ. Mấy hôm trước khu trọ này đã cầu nguyện cho một linh hồn xấu số. Chị Lực nhớ về người đàn ông xấu số đó: "Ông đó bị nhồi máu cơ tim, nằm trong bệnh viện nhưng người nhà thuê ở đây để tắm rửa giặt giũ, biết là khó qua khỏi nhưng sinh mạng con người mà đâu dễ bỏ được". Nói về người đàn ông chị lại quay sang nhìn bé Ngọc, thân thể em ngày càng gầy đi vì thiếu thuốc và những cơn đau hành hạ, nước mắt chị ngày nào cũng rơi từ khi bác sĩ nói "phải ghép tim thì may ra mới sống được". Vì thế, ngày nào chị cũng ôm đống tờ rơi kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ, chỉ còn những cách như thế này may ra bé Vy mới được tiếp tục sống. BS Nguyễn Đăng Khôi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: Chi phí cho một ca mổ tim khoảng gần 40 triệu đồng, tuy nhiên số tiền thuốc thang sau khi mổ tim cũng không phải nhỏ. Đó là một số tiền quá lớn cho những người nghèo phải chạy vạy từng đồng để lo thuốc thang. Ngoài BHYT, Trung tâm hỗ trợ người nghèo ra, họ không biết trông chờ vào ai, vì thế rất cần những mạnh thường quân để cho những trái tim bệnh tật được đập tiếp trong quãng đời còn lại.
50.000 - 70.000đ/ngày cho một phòng trọ, 15.000 - 20.000đ cho một bữa cơm, 20.000 - 40.000đ cho một cuốc xe ôm... đôi khi còn bị cò lừa gạt, những bệnh nhân nghèo đang chờ ngày thay tim ở Viện Tim TP.HCM, hằng ngày phải đối mặt với đủ các thứ "máy chém". Trong khi đó tiền trong túi và máu trong tim đang cạn dần từng ngày vì nghèo khổ và bệnh tật. |
Theo Đỗ Ngà
Khoa học Đời sống online
Khoa học Đời sống online