Có quá nhiều quy định trái luật và không rõ ràng khiến cho Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 4/1/2010 (Nghị định 01) về chào bán cổ phần riêng lẻ trở thành rào cản trong việc huy động vốn của các công ty cổ phần. Không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp mà chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng và bất lực trước các quy định của Nghị định…
Làm khó doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo “Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghi định 01 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật DN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua (23/2) tại Hà Nội, LS Phạm Chí Công, Công ty Luật Khai Phong cho rằng, trong các loại hình doanh nghiệp (DN) thì mô hình công ty cổ phần (CTCP) được xem là lợi thế nhất trong việc huy động vốn.
Tuy nhiên từ khi Nghị định 01 ra đời đã gây ách tắc cho việc huy động vốn của DN. CTCP muốn phát hành CP riêng lẻ thì phải hoàn thành rất nhiều thủ tục trong công ty cũng như tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục của cơ quan QLNN có thầm quyền liên quan…
Theo quy định tại Nghị định 01, nhà đầu tư (NĐT) không được chuyển nhượng CP tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng. Theo Luật gia Cao Bá Quát, quy định như vậy đã vi phạm quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp đã quy định, trái với Bộ Luật Dân sự, Luật DN và Luật Chứng khoán. “DN có cần vốn thì mới phát hành cổ phiếu, tại sao phải đợi đến 6 tháng mới được huy động tiếp, chưa kể số tiền huy động không được đầu tư sinh lợi ngay mà phải chuyển vào tài khoản phong tỏa cho đến khi hoàn tất đợt chào bán?”, ông Quát đặt vấn đề. “Rõ ràng, hạn chế này triệt tiêu cơ hội đầu tư của DN”- LS Phạm Chí Công đồng tình với quan điểm trên. Cũng theo ông Công: “Quy định không được chuyển nhượng CP trong vòng 1 năm là quá dài và có thể xuất hiện nhiều rủi ro. Thay vì tham gia mua CP phát hành riêng lẻ, NĐT mua chứng khoán trên thị trường tập trung hoặc kênh đầu tư khác. Như vậy, rõ ràng quy định này đang ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của hàng chục ngàn CTCP".
Cơ quan nhà nước cũng lúng túng
Ông Phạm Khắc Nam, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Ninh cho biết, có 1 DN ở địa phương chẳng nắm gì về Nghị định 01, phát hành CP mệnh giá 1 triệu đồng, 10 triệu đồng. Đến khi đến làm thủ tục tăng vốn tại Phòng ĐKKD, thanh tra phạt DN mấy chục triệu đồng, Phòng ĐKKD cũng hướng dẫn lại cho DN song cũng cảm thấy áy náy bởi đây không phải công ty đại chúng, DN huy động vốn, quản lý như thế nào là quyền DN…
Đồng tình với một số quan điểm đưa ra trước đó, ông Nam đề nghị cần phải bãi bỏ Nghị định 01 bởi trước đó, chưa có nghị định này mọi việc vẫn trôi chảy. “Phòng ĐKKD đã quá tải,giờ lại thêm ách tắc của Nghị định 01. Rất phực tạp mà chúng tôi cũng chẳng quản lý được gì…”- ông Nam đề nghị.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ giãi bày, với Nghị định 01, Sở KH&ĐT phải đứng 2 vai, vừa là “bị hại”, vừa là “bị can”. Ở vai “bị hại”, theo quy định của Nghị định 01, Sở KH&ĐT phải thực hiện một số việc mà Nghị định quy định rất chung chung, như sở phải kiểm soát năng lực tài chính của DN chẳng hạn. Còn ở vai “bị can”, biết là vấn đề bị chê trách, nhưng vì “ngành KH&ĐT không soạn thảo nghị định này, nên cũng rất khó…”
Về “thân phận” pháp lý của Nghị định 01, có hai luồng ý kiến được đưa ra. Một bên cho rằng, cần bãi bỏ Nghị định 01, vì một khi văn bản ra đời không có tác dụng gì, gây ách tắc cho SXKD, khó khăn cho DN thì không có lý do gì đề tiếp tục tồn tại. Luồng ý kiến còn lại chọn giải pháp dung hòa hơn. Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội lại quan niệm: đành rằng đây là quan hệ dân sự giữa bên mua và bên bán, tuy nhiên bên mua là bên bỏ tiền ra nhưng không quản lý được nên vị thế yếu hơn. Vì vậy, không nên thủ tiêu nghị định này mà nên sửa đổi để hài hòa lợi ích của các bên.
Thanh Lan