Thời gian gần đây, liên tục những sai phạm trong công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ được phát hiện, điều tra và xử lý. Từ việc bổ nhiệm thần tốc một “người đẹp” công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa Trần Vũ Quỳnh Anh đến việc bổ nhiệm con trai một cựu Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này khi mới 30 tuổi đều cho thấy công tác cán bộ hiện nay đang có vấn đề. Trước đó, báo chí cũng từng đưa tin về việc ông Huỳnh Thanh Phong (sinh năm 1982, con trai một cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) cũng được ưu ái cất nhấc vào ghế Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang.
Tất nhiên, sai phạm nào - dù lớn hay nhỏ thì trước sau cũng đều bị xử lý. Trong vụ bổ nhiệm sai nguyên tắc tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã bị Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật cách tất cả mọi chức vụ trong Đảng vì lý do “nâng đỡ không trong sáng”. Điều đáng nói, khi kiểm tra việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bão làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, các đoàn công tác của Bộ Nội vụ đều khẳng định: Quảng Nam làm đúng quy trình; việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là đúng trình tự, thủ tục.
Nhưng rồi, tại Kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã công bố kết luận nhiều sai phạm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo và với những sai phạm này, UBKTTƯ đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo. Chỉ với các quyết định xử lý kỷ luật trên, Ban Bí thư và UBKTTƯ đã xóa bỏ những nghi ngờ trong dư luận về những đồn thổi bấy lâu, rằng “con quan rồi lại làm quan”, “tiền tệ, hậu duệ hơn trí tuệ”…
Và, khẳng định điều này một lần nữa, Quy định số 105 của Bộ Chính trị đã nêu rõ những điều kiện về bổ nhiệm. Theo đó, người được bổ nhiệm phải bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.
Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đặc biệt, đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Cán bộ trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.
Yêu cầu đối với việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái ứng cử, quy định của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe không bảo đảm, uy tín giảm sút, không phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước… các cơ quan tham mưu đề xuất và cấp lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét, thay thế kịp thời, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm.
Có thể nói, đây là những quy định mang tính kế thừa những quy định trước đó của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, “Quy định 105 cũng có nhiều điểm mới, những nội dung trong Quy định rất đầy đủ và chặt chẽ. Tôi tin rằng nếu tất cả các cấp ủy Đảng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, cương quyết, tránh bệnh thành tích thì sẽ không có việc lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm con cháu, người thân vào những vị trí công tác không đúng quy định, qua đó sẽ tạo được sự bứt phá trong thực hiện công tác cán bộ và chống tham nhũng mà Đảng ta đang làm rất quyết liệt.”- một đảng viên hưu trí tại TP Hà Nội tin tưởng.