Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Nhiều “lỗ hổng” trong thẩm định thuốc?
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (là người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty VN Pharma) lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Cty Cudupha, Cty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký. Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả. Tuy nhiên, do một số cán bộ của Cục Quản lý Dược thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.
Sau khi có đăng ký thuốc, trong giai đoạn năm 2012-2014, Nguyễn Minh Hùng đã câu kết với Võ Mạnh Cường (GĐ Cty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán 838.100 hộp, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các thuốc trên. Sau đó, các bị can đã nâng khống thêm giá mua, nâng giá thuốc trên lên hơn 2,5 triệu USD, tương đương khoảng 54 tỷ đồng.
Toàn bộ số thuốc trên đã được Cty VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp, thu lợi bất chính số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Theo cáo trạng, thời điểm là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định. Từ đó ông Cường đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng ông Cường đã nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc. Hậu quả, các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc này điều trị cho người bệnh.
Bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cũng thừa nhận việc nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc... Trả lời câu hỏi: “Bị cáo nghĩ sao khi những người bệnh mua phải thuốc giả lại chính là người nhà của bị cáo?” của HĐXX, cựu Chủ tịch HĐQT VN Pharma thừa nhận hành vi của mình là sai. “Bị cáo nhận thức rất rõ việc làm sai của mình, bị cáo xin chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bị cáo Nguyễn Minh Hùng nói.
Đến lượt mình, bị cáo Trương Quốc Cường khai mình là người đứng đầu Cục Quản lý Dược, những nội dung liên quan Cục, thẩm định hồ sơ thuốc, ông xin nhận trách nhiệm. Sau đó, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận có “lỗ hổng” lớn trong quy trình thẩm định hồ sơ thuốc, trong đó có việc quản lý hoạt động, ban hành quy chế, quy định với nhóm chuyên gia.
Quá trình xét hỏi, chủ tọa nói Tòa thấy có 2 bất cập là các bị cáo bỏ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự và không phân công cụ thể đến các nhóm thẩm định sau khi lấy ý kiến bổ sung. “Đây là lỗ hổng rất lớn?”, chủ tọa nói. Ông Cường thừa nhận có những bất cập trên.
Xin mức án không mang thêm nỗi đau khổ
Khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bảo trước khi bị truy tố, ông là Thứ trưởng nhưng bị khởi tố về sai phạm từ thời là Cục trưởng Cục Quản lý Dược những năm 2008 – 2010. Theo ông Cường, thời điểm đó, Cục có rất nhiều hồ sơ, khi ông mới lên, tiếp quản hệ thống văn bản pháp luật thời điểm đó rất đơn giản, thiếu, vì vậy những bị cáo thuộc Cục Quản lý Dược ngồi đây phải làm việc trong điều kiện quá tải, trang thiết bị nghèo nàn dẫn đến sai sót.
“Tôi mong tòa giảm nhẹ trách nhiệm cho họ bởi đây là những con người tuyệt vời, làm việc rất trách nhiệm, mẫn cán. Mong tòa làm sao cho họ mức án thấp nhất”, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói và cho biết khi họ xây dựng xong văn bản hệ thống văn bản pháp luật đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Tiếp đó, ông Cường bảo đặc biệt sau khi vụ án khởi tố, ngành Dược bắt đầu gặp khó khăn, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng dẫn tới không có thuốc cho bệnh nhân điều trị. Và theo lời ông Cường, hiện nay việc gia hạn số đăng ký thuốc giảm đi rất nhiều so với trước kia. “Đây là một nỗi buồn, dẫn đến ngành Dược hiện nay hết sức khó khăn, bao công sức của anh em đổ xuống sông biển”, ông Cường ngậm ngùi.
Ông Cường mong tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ để cho các bị cáo hưởng mức phù hợp, tạo điều kiện cho ngành Dược sớm hồi phục lại. Theo ông Cường, trước khi có hàng nghìn số đăng ký thuốc thì nay chỉ còn khoảng 100 số đăng ký, không thể có thuốc cho người dân.
Trước khi dừng lời, bị cáo Cường bảo nay phải vướng vòng lao lý, đây là nỗi mất mát to lớn nhất. “Xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh khách quan, chủ quan để làm sao cho tôi mức án không mang thêm nỗi đau khổ cho gia đình tôi, bản thân tôi”, bị cáo Cường nói.
Các bị cáo còn lại đa số đều thừa nhận sai phạm, xin HĐXX xem xét, cho mình mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình, người thân. Trong đó, cấp dưới của ông Cường là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng nói phải đứng trước tòa, bản thân ông thấy rất là chua xót.
Phán quyết
Sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác. Theo nhận định của HĐXX, vụ án này được phát hiện trong thời gian Cơ quan điều tra (CQĐT) điều tra vụ án xảy ra tại TP HCM. Quá trình điều tra mở rộng, CQĐT phát hiện các bị cáo còn thực hiện việc buôn bán hàng giả với nhiều loại thuốc chữa bệnh khác.
“Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình trong dư luận, làm giảm uy tín của ngành Y tế. Đây là vụ án mà các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ trong khi thực hiện hành vi phạm tội”, HĐXX nhận định.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng 18 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, Trương Quốc Cường 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 12 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm đến 20 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Trong đó, bị cáo Võ Mạnh Cường nhận mức án cao nhất là 20 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, HĐXX kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại toàn bộ quy trình thẩm định thuốc. Theo HĐXX, quy trình thẩm định thuốc và xét duyệt còn nhiều “lỗ hổng”. Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của các chuyên gia khi thẩm định 5 loại thuốc. HĐXX tiếp tục kiến nghị CQĐT Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong vụ án này. Bởi theo HĐXX, để xảy ra vụ án này còn có trách nhiệm lớn từ cán bộ Hải quan khi cho thông quan nhiều loại thuốc giả nhãn mác.
Vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người dân?!
Phát biểu quan điểm luận tội với 14 bị cáo trong vụ án, đại diện VKS nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhiều công ty kinh doanh dược phẩm trong và ngoài nước… và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hành vi của các bị cáo đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Bởi theo VKS, các bị cáo đều là những người có kiến thức, trình độ chuyên môn cao, am hiểu về thuốc. Tuy nhiên, các bị cáo vì thu lợi bất chính mà bất chấp vi phạm pháp luật. Trong đó, Hùng và Cường phạm tội tích cực, chủ mưu cầm đầu, các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức. “Chỉ vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả, sức khỏe người dân, ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của ngành Y tế...”, đại diện VKS nhấn mạnh.