Trong bài chia sẻ, thầy giáo đặt vấn đề: Nói xin lỗi hay cảm ơn rất dễ nhưng tại sao với bố, với mẹ, những người thân nhất thì chúng ta lại khó khăn đến vậy? Trong bài nói của mình, thầy Nhân nhắc đến những lỗi lầm bạn trẻ thường mắc như ích kỷ, ương bướng, nổi loạn. Họ là những đứa con “lớn xác” vô tâm, không chịu nghĩ cho bố mẹ. Khi phạm lỗi, bạn trẻ lại hiếm khi nói ra lời xin lỗi dù điều này không khó. “Các bạn là cái rốn của vũ trụ, bao tình yêu thương bao bọc của bố mẹ đều dành cho các bạn, càng lớn lên sự ngỗ nghịch, đòi hỏi của các bạn càng lớn. Các bạn quên cả cách nói lời cảm ơn hay xin lỗi”, thầy giáo chỉ rõ. Dù cho nói xin lỗi, hay nói cám ơn đều là những lời mà đứa trẻ lên 3 cũng có thể nói ra. Với người lạ, chúng ta còn có thể nói dễ dàng, thế mà tại sao với bố, với mẹ, những người thân nhất thì lại khó khăn đến vậy?
Khóc không có nghĩa là yếu đuối. Con gái hay con trai đâu cứ là khóc tức là người yếu ớt. Khóc chỉ là vì muốn giải thoát một điều gì đó. Đôi khi, giọt nước mắt rơi vì gia đình chính là giọt nước mắt hạnh phúc, vì thế không có gì mà xấu hổ. Mà niềm hạnh phúc ấy xứng đáng được trân trọng. Vậy mà không ít lần bạn trẻ trách giận bố mẹ, thậm chí còn có ý định bỏ nhà đi, rồi nghe lời xúi giục của bạn bè chống đối bố mẹ, nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình. Khi ấy, chúng ta thật dại dột vì đã vô tình khiến bố mẹ đau lòng. Bố mẹ chỉ là người lao động bình thường nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thường xuyên đòi hỏi tiền bạc, quần áo mới.
Và cuối cùng, thầy Nhân nhắn nhủ các học sinh: “Người có lỗi là con người, biết sửa lỗi là thánh nhân, còn ai cười và tự hào với lỗi của mình đó là tội đồ”. Những ai còn đang trách giận bố mẹ thì hãy nên nói lời xin lỗi ngay, bởi lẽ, thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai cả. Một ngày có 280 người mãi mãi không bao giờ trở lại vì tai nạn giao thông. Đừng bao giờ để đến khi bố của bạn mất rồi mới quỳ bên quan tài, khóc bù lu bù loa, nói lời xin lỗi vì ông ấy chẳng thể nghe thấy đâu”, thầy Nhân nhấn mạnh.
Có thể nói, phần đa những đứa trẻ ở thành phố ngày nay trong vòng quay học hành cho “bằng con người ta”, đều là những đứa trẻ khó có cơ hội trưởng thành. Khi mà ngoài thời gian học, các em sẽ tranh thủ bên máy tính, bên cuộc sống “ảo” riêng tư. Khoảng cách với phụ huynh, sự chia sẻ những vất vả của cha mẹ đường như rất ít. Các em coi những chăm chút yêu thương thái quá từ cha mẹ là sự mặc nhiên. Phải chăng, không ít người lớn chúng ta đã yêu con sai rồi…