“Giơ cao, đánh khẽ”
Vào tháng 8/2018, bà Nguyễn Thanh Huyền (ngụ tổ 30, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) được UBND quận Cẩm Lệ cấp 5 giấy phép xây dựng 5 nhà ở riêng lẻ tại các thửa đất được đánh số từ 27 đến 35 đường Lê Quang Định (tổ 30).
Sau một thời gian xây dựng, mới đây, ngành chức năng quận đi thanh tra, phát hiện việc xây dựng của bà Huyền đã thay đổi hoàn toàn so với giấy phép xây dựng. Cụ thể, từ 5 căn nhà riêng lẻ, bà Huyền đã xây thành 34 căn hộ hai tầng (trong đó một căn hộ để ở và 33 căn hộ kinh doanh cho thuê).
Để “hợp pháp hóa” việc xây dựng sai phép này, bà Huyền đã xin giấy phép đăng ký hộ kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú dài hạn với tên đăng ký kinh doanh White House.
Việc xây dựng sai phép của bà Huyền đã được các cơ quan chức năng phát hiện và chỉ ra các sai phạm. UBND quận Cẩm Lệ cho biết, căn cứ biên bản làm việc của đoàn thanh tra, việc hộ kinh doanh sử dụng nhà ở không đúng mục đích, công năng sử dụng theo giấy phép xây dựng được cấp đã vi phạm khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014.
Việc sử dụng nhà ở riêng lẻ vào hoạt động kinh doanh cho thuê nhà, đã vi phạm khoản 3 Điều 68 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, sau đó UBND quận Cẩm Lệ lại không buộc bà Huyền khắc phục vi phạm, cụ thể tháo dỡ công trình vi phạm nói trên. Theo UBND quận Cẩm Lệ, lý do không buộc tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng do bà Huyền “chưa rõ các quy định của pháp luật” và các cơ quan chức năng “thiếu kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kịp thời”.
Ngoài công trình xây dựng sai phép của bà Huyền nói trên, mới đây UBND TP Đà Nẵng cũng có công văn đình chỉ xây dựng, yêu cầu các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép xây dựng của dự án BĐS có tên thương mại One River Villas do Công ty Đất Xanh miền Trung làm chủ đầu tư vì phát hiện các căn biệt thự của dự án này được cấp phép xây dựng không đúng quy định.
Cụ thể, qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 36 căn biệt thự mà Công ty Đất Xanh miền Trung xây dựng “nhà ở thương mại”, trong khi trong giấy phép xây dựng các công trình này thuộc diện “nhà ở riêng lẻ”. Vì vậy, việc UBND quận Ngũ Hành Sơn và Sở Xây dựng cấp 36 giấy phép xây dựng nhà ở gia đình cho Đất Xanh miền Trung là không đúng quy định.
Trước đó, các căn biệt thự trong dự án này được UBND quận Ngũ Hành Sơn cấp giấy phép xây dựng 35 căn và Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho một căn với giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, sau đó các căn biệt thự này được Đất Xanh miền Trung rao bán và cho thuê ra thị trường với tên thương mại dự án One River Villas nằm trong Khu đô thị Phú Mỹ An do Công ty CP Đầu tư Xây dựng 579 làm chủ đầu tư.
Nguy cơ tạo tiền lệ xấu
Cho đến nay, sau khi bị phát hiện có sai phạm, 34 căn hộ của bà Nguyễn Thanh Huyền nói trên vẫn đang tồn tại và kinh doanh nhà trọ bình thường. Trong khi đó 36 căn biệt thự của Đất Xanh miền Trung vẫn đang tồn tại và theo chủ đầu tư, đơn vị đang làm thủ tục để “cấp đổi lại giấy phép xây dựng”.
Việc các công trình sai phạm vẫn đang tồn tại và không bị áp dụng các biện pháp đi kèm như buộc tháo dỡ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017 và Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD khiến dư luận đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của việc chấp hành pháp luật xây dựng tại Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không xử lý triệt để các vi phạm về xây dựng, buộc phải tháo dỡ phần vi phạm, mà cứ “phạt rồi cho tồn tại”, e rằng pháp luật sẽ không được thực hiện nghiêm minh, tạo nên tiền lệ xấu. “Xây sai nhưng vẫn được tồn tại không bị tháo dỡ, người này xây được người kia cũng xây được, tình trạng xây dựng sẽ “loạn” ra sao”, một người dân bày tỏ quan điểm.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cũng nhận định, việc các công trình xây dựng sai phép không được xử lý triệt để sẽ dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật.
“Người xây dựng sẽ cố tình sai phạm, rồi khi bị phát hiện lại tìm cách hợp thức hóa, luồn lách để công trình được tồn tại. Nếu chỉ phạt tiền, mức phạt ấy quá nhẹ so với sai phạm đã thực hiện. Người ta còn có quyền đặt ra câu hỏi để xảy ra tình trạng ấy, phải chăng vì có “thỏa thuận ngầm” giữa người vi phạm và cán bộ thẩm quyền?”, luật sư này nói.