Nghìn lẻ lý do “nước đến chân mới nhảy”
Hai ngày cuối cùng năm 2009, tại các điểm giao dịch của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hàng đầu như MobiFone, Vinaphone, Viettel, tấp nập người đến đăng ký thông tin dịch vụ trả trước. Hớt hải đến điểm đại lý của MobiFone tại số 201 phố Lạch Tray, chị Lê Thị Xoan ở số 2, ngõ 65 đường An Đà than phiền: “Chỉ tí nữa không nhanh chân thì mất toi cái sim và số tiền còn trong tài khoản. Mà tôi cũng chỉ biết thông tin qua loa về việc phải đăng ký lại thuê bao qua các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng thấy nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin xem phải đến điểm nào để làm”. Trước cửa đại lý MobiFone số 201 phố Lạch Tray đã hơn 11 giờ trưa ngày cuối năm 2009 mà bảo vệ vẫn luôn miệng nhắc khách hàng phải đợi một lúc mới có đủ vé gửi xe để vào làm việc với nhân viên đại lý. Phía trong, khách hàng nhốn nháo, nhân viên dịch vụ vẻ mặt căng thẳng vì lượng người đến đăng ký quá đông.
Theo con số thống kê của Bộ Thông tin-truyền thông, hiện nay, số lượng thuê bao di động trả trước chiếm hơn 70% tổng số thuê bao di động.
Tại Hải Phòng, số thuê bao trả trước của MobiFone phải đăng ký thông tin ước tính khoảng 5000 số, trong đó số người đăng ký tập trung vào mấy ngày cuối năm 2009 chiếm 50%.
|
Các đại lý của Viettel và Vinaphone không đến nỗi quá tải như các điểm dịch vụ của MobiFone, nhưng số người đến đăng ký cũng khá đông. Đến 20 giờ ngày 31-12-2009, tại Chi nhánh Viettel đầu ngã tư Thành Đội vẫn còn vài chục người xếp hàng đợi đến lượt. Chị Vũ Thị Thu Huệ, đại diện cửa hàng Viettel tại 62, phố Lạch Tray cho biết: “Những ngày cuối cùng trong năm 2009, số lượng người đến khai báo thông tin thuê bao trả trước tăng đột biến. Cửa hàng phải ưu tiên dành nhiều thời gian giải quyết cho khách hàng, bố trí thêm lực lượng nhân viên, các thiết bị máy tính nối mạng để kịp thời đáp ứng.
Có còn đường ra cho thuê bao ảo?
Hiện trên địa bàn thành phố, số người sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng, nhất là đối với các thuê bao trả trước. Qua khảo sát thực tế thị trường, nhiều người thích sử dụng thuê bao trả trước, bởi hầu hết nhà cung cấp dịch vụ có nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn khi mua sim mới hoặc tặng thêm nhiều giá trị tài khoản. Đại diện MobiFone tại Hải Phòng cho biết: “MobiFone giành được thị phần lớn nhất trên địa bàn thành phố với con số phát triển thuê bao mới trung bình 60.000 - 70.000 thuê bao/tháng. Có được kết quả đó bởi MobiFone luôn quan tâm đến việc tìm hiểu, khai thác thị trường, tâm lý người tiêu dùng để đưa ra các dịch vụ hợp lý. Đặc biệt, việc chăm sóc khách hàng và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật dịch vụ luôn được thực hiện tốt”.
Nhờ sự phát triển nhanh, tiện ích của các mạng di động, người tiêu dùng được lợi hơn, nhà cung cấp dịch vụ cũng có nhiều doanh thu và bước phát triển vượt bậc. Nhưng một thực tế dễ nhận thấy là việc quản lý các thuê bao di động đặc biệt là thuê bao trả trước không đơn giản. Tình trạng thuê bao ảo xuất hiện khiến các nhà quản lý đau đầu. Một số người tiêu dùng lợi dụng các thuê bao trả trước để lũng đoạn thị trường thông tin, thậm chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cách đây không lâu, Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông phát hiện, xử lý một số đối tượng sử dụng thuê bao trả trước để chuyển tiếp cuộc gọi quốc tế về Việt Nam. Các đối tượng chuyển sim thuê bao di động (chủ yếu là thuê bao trả trước của các mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel Mobile, S-Fone) qua bên kia biên giới để kết nối vào trạm VSAT lắp đặt tại nước láng giềng hoặc ngay tại Việt Nam. Trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng cũng phanh phui khá nhiều vụ trộm cắp viễn thông, cước internet mà thủ phạm là các nhóm thanh niên hoặc người dân lợi dụng các số thuê bao di động trả trước để thực hiện. Vì vậy, với đợt siết chặt quản lý thông tin di động trả trước của Bộ Thông tin - Truyền thông lần này sẽ mang lại những động thái mới, tích cực hơn tạo điều kiện cho thị trường thông tin di động phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, mong thái độ, nhận thức của người tiêu dùng đối với việc sử dụng điện thoại di động ngày càng được nâng cao.
Bài và ảnh: Ngọc Quỳnh