Xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân: Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân đối với dự thảo thông tư quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét duyệt, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.

Khuyến khích phạm nhân tích cực học tập, lao động

Theo dự thảo, nếu Thông tư được thông qua sẽ áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (CHAPT) tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong CAND (cơ sở giam giữ phạm nhân); cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị, xét duyệt, quyết định xếp loại cho phạm nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự thảo đưa ra nguyên tắc xếp loại cho phạm nhân như: Bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc thi hành án hình sự (THAHS) được quy định tại Điều 4 Luật THAHS; bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và liên tục; việc nhận xét, đánh giá, xếp loại phải căn cứ vào thái độ, kết quả thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ của phạm nhân. Khuyến khích phạm nhân nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động, nộp án phí, trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Dự thảo cũng quy định một số hành vi nghiêm cấm trong xếp loại cho phạm nhân như: Nghiêm cấm xếp loại cho phạm nhân không đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định; nghiêm cấm làm giả, làm sai lệch hồ sơ, chứng từ, hóa đơn, tài liệu về xếp loại cho phạm nhân; lợi dụng việc xếp loại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân hoặc vì mục đích vụ lợi khác.

Dự thảo quy định nội dung, tiêu chí nhận xét, đánh giá kết quả CHAPT, quyết định mức xếp loại cho phạm nhân căn cứ vào quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật THAHS; nhận xét, đánh giá xếp loại quý hiện tại phải xem xét kết quả xếp loại quý trước liền kề, nếu đủ điều kiện, tiêu chí nâng mức xếp loại thì quý sau cao hơn quý trước liền kề một bậc, trừ trường hợp lập công lớn, lập được nhiều công hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong CHAPT.

Phạm nhân được nâng loại nếu lập công

Dự thảo có quy định về thời gian, tiêu chí xếp loại 4 loại phạm nhân gồm: tốt, khá, trung bình và kém. Mỗi đối tượng tùy theo sự cố gắng của mình sẽ được xếp loại và thăng loại cao hơn theo định kỳ các tuần, tháng, quý, 6 tháng, một năm.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định việc xếp loại trong trường hợp lập công. Theo đó, phạm nhân lập công cứu được người, tài sản giá trị từ 10 triệu đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, dịch bệnh; cung cấp nguồn tin giúp cơ sở giam giữ phạm nhân, phát hiện, ngăn chặn được âm mưu chống phá, trốn khỏi nơi giam giữ, bắt được phạm nhân trốn khỏi nơi giam, ngăn chặn được phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù, ngăn chặn được hành vi phá hoại; giúp cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong phát hiện, điều tra, truy bắt, xử lý tội phạm đã được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra xác nhận bằng văn bản, quyết định khen thưởng lập công thì các kỳ xếp loại năm đó được điều chỉnh nâng lên một bậc.

Nếu phạm nhân cứu được người đang trong tình trạng nguy hiểm, tài sản giá trị từ 30 triệu đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, công dân; lập được công lớn, lập được nhiều công thì các kỳ xếp loại năm đó được điều chỉnh nâng lên hai bậc. Nếu trong năm đó, phạm nhân được xếp loại khá thì nâng lên xếp loại tốt.

Ngoài ra, nếu phạm nhân lập công quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, nếu trong năm đó đã được xếp loại tốt thì tình tiết lập công được tính để xếp loại cho năm sau. Phạm nhân mới đến chấp hành án mà lập công, nếu đủ thời gian xếp loại 6 tháng cuối năm thì nâng mức xếp loại 06 tháng cuối năm và 06 tháng đầu năm sau liền kề; chưa đủ thời gian xếp loại 06 tháng cuối năm thì được nâng mức xếp loại kể từ ngày lập công và cả năm sau liền kề. Trường hợp sau khi lập công mà bị xử lý kỷ luật, phạm tội mới thì không được nâng mức xếp loại.

Cũng theo dự thảo, Trại giam sẽ thành lập Hội đồng xếp loại CHAPT cho phạm nhân, do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ làm Phó Chủ tịch Hội đồng và các Ủy viên gồm: Phó Giám thị phụ trách công tác quản lý, giam giữ, Phó Giám thị phụ trách lao động sản xuất, hướng nghiệp dạy nghề, Phó Giám thị phụ trách phân trại (nếu có), Trưởng phân trại và các Đội trưởng đội: Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch hướng nghiệp dạy nghề và xây dựng, Y tế và bảo vệ môi trường, Đội trưởng đội Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên thư ký.

Sau khi kết thúc xếp loại quý, 06 tháng, một năm cho phạm nhân, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm: Thông báo công khai kết quả xếp loại cho phạm nhân biết; thông báo tình hình CHAPT và kết quả xếp loại 06 tháng đầu năm, 06 tháng cuối năm, một năm cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân.

Trại giam, trại tạm giam Bộ Công an gửi báo cáo tổng hợp kết quả xếp loại quý I, quý III, 06 tháng đầu năm và một năm về Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh để tổng hợp gửi Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Dự thảo Thông tư quy định xếp loại CHAPT cho phạm nhân được Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 16/07/2021 cho đến hết ngày 16/09/2021.

Đọc thêm

Xem xét ngưỡng nợ thuế tối thiểu để hoãn xuất cảnh

CQT công khai Quyết định cưỡng chế, Thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua nhiều kênh để NNT biết, tra cứu.
(PLVN) -  Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng để tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp bảo đảm hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.