Nơi nào, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
Phó Thủ tướng cho rằng, để "cát tặc" lộng hành là do các cấp chính quyền và người đứng đầu quản lý chưa tốt. |
Nhiều nơi, người dân đơn độc chống chọi với “cát tặc”
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá, hiện nay tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển ở nhiều địa phương tái diễn trở lại với mức độ lo lắng. Các đối tượng khai thác trái phép hoạt động tinh vi, lộng hành vì lợi nhuận cao, các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, chưa đủ răn đe, chế tài còn nhẹ, nên đối tượng khai thác cát trái phép chấp nhận bị xử lý hành chính. “Tôi nghe phản ánh, có tàu hút cát trái phép thu lợi gần tỷ đồng ngày”, Phó Thủ tướng nói.
Đáng lưu ý, tại một số địa phương, vì quá bức xúc người dân tự đứng lên “đơn độc” chống chọi lại “cát tặc” mà không một ai đứng bên cạnh. “Vậy chính quyền đâu? Đoàn thể đâu? Công an đâu mà để bà con đứng ra đấu tranh để bị cát tặc tấn công”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, để tình trạng như vậy hệ thống chính trịnh người đứng đầu chính quyền cơ sở nhất là cấp xã rồi cấp huyện quản lý cấp trên chưa tốt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát trái phép, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các bộ ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
“Địa phương nào, lĩnh vực nào để xảy ra khai thác cát trái phép hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát sỏi cũng như lập các bến bãi tập kết cát sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với những khu vực giáp ranh giữa các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, rà soát để điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy định về thăm dò, khai thác và sử dụng cát sỏi trên địa bàn. Đẩy mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong việc thực hiện hoạt động khai thác cát sỏi tại địa phương.
Cần mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm là “cát tặc”
Đối với từng bộ, ngành cụ thể Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, lập bến bãi tập kết cát, sỏi tập trung vào những địa bàn giáp ranh phức tạp, các dự án, công trình xây dựng sử dụng số lượng lớn cát san lấp. Nghiên cứu đề xuất bổ sung chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép, nhằm tăng tính răn đe.
“Cùng với đó, Bộ Công an cần mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trái phép tại các địa phương từ ngày 1/5/2019 đến 31/7/2019 và lập đoàn liên ngành kiểm tra một số địa phương để tình trạng này diễn biến phức tạp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát sỏi trái phép.
Bộ Xây dựng chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó cân đối cung cầu cát sỏi lòng sông theo hướng hạn chế việc khai thác cát tự nhiên, tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nghiên cứu vật liệu mới. Tăng cường công tác kiểm tra lĩnh vực quản lý về vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các địa phương.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan lập kế hoạch tổng điều tra, kiểm tra các phương tiện thủy, yêu cầu bắt buộc tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát trái phép. Tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động phương tiện cố tình vi phạm, chỉ cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị hút cát sỏi cho các đơn vị có giấy phép khai thác cát, tham gia thi công nạo vét.
“Gắn thiết bị đối với tàu khai thác cát, camera an ninh để giám sát việc khai thác cát cũng như tăng cường quản lý doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn, kiểm tra các công trình xây dựng, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan dân cử tham gia giám sát, bảo vệ người dân khi đấu tranh với cát tặc”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Địa phương bất lực với “cát tặc”?
Tại cuộc họp, báo cáo trước Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tình hình khai thác cát trái phép đang rất nóng của tỉnh Hưng Yên, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết, từ trước đến nay Hưng Yên có 12 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 4 đơn vị được phép khai thác còn 8 đơn vị đã hết phép nhưng khong được cấp phép lại.
Ngoài ra có 3 đơn vị nạo vét lòng sông, 57 đơn vị hoạt động kinh doanh bến bãi nhưng có đến 37 bến bãi chưa xin phép. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường của ỉnh thực hiện kiểm tra 2 đợt đã xử phạt 2 đơn vị với số tiến 200 triệu đồng. Công an tỉnh từ năm 2016 đến nay cũng đã bắt giữ 106 trường hợp khai thác cát trái phép xử phạt 2,75 tỷ đồng, tịch thu nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho việc khai thác cát.
Theo đại diện tỉnh Hưng Yên Hạn nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng trên mà người dân cũng như báo chí phản ánh nhiều là do đối tượng lợi dụng giáp ranh giữa các tỉnh và thời gian ban đêm nên khai thác cát trái phép.
Cùng với đó, lực lượng cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như lực lượng công an nhưng chính quyền địa phương mặc dù đã quy định rõ trách nhiệm, ký quy chế phối hợp nhưng việc phối hợp còn chưa thường xuyên còn đùn đẩy né tránh trong thực thi công vụ. “Hay như những thông tin từ người dân, từ cơ quan báo chí được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nhưng các ngành, địa phương vẫn đùn đẩy, né tránh. Sự vào cuộc của các địa phương xã, huyện chưa quyết liệt. Hưng Yên có đến 37/57 bến bãi chưa được cấp phép”, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết.
Thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép của địa phương mình tuy mức độ không trầm trọng bằng những năm 2017, năm 2018 nhưng vẫn diễn ra vàchưa được xử lý triệt để, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, thực tế các đối tượng khai thác cát hành động rất tinh vi và manh động, có lần lãnh đạo huyện khi đi kiểm tra bị đối tượng khai thác cát đưa lên tàu, sau đó đánh chìm tàu khai thác cát để vu oan cho cán bộ địa phương. Trong một lần khác, đối tượng khai thác cát trái phép cho lãnh đạo huyện lên tàu chở từ huyện Thanh Hà lên đến Hải Dương (hơn 10km) rồi thả ở đó. Khi lực lượng chức năng làm gắt ở các tuyến sông lớn, các đối tượng chuyển vào khai thác ở tuyến sông nội đồng, dùng tàu nhỏ, phương tiện cơ động. “Nguyên nhân là chế tài xử lý chưa đủ mạnh, các đối tượng vẫn nhờn, chưa đủ mạnh răn đe. Bọn chúng làm mọi cách có thể chấp nhận bị xử phạt nếu bị bắt đạt được lợi nhuậ”, ông Thái cho hay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết ông tán tán thành quan điểm của lãnh đạo một số địa phương về tăng chế tài xử phạt với “cát tặc”, xử lý hình sự như tội trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản, chỉ xử lý hành chính là chưa đủ sức răn đe. Duy trì cơ chế phối hợp liên ngành, xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã. “Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định về quản lý, khai thác cát sỏi, trình Chính phủ ban hành vào thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.