Theo báo cáo tại cuộc họp, ngày 10/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Luật số 56/2020/QH14) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Để triển khai thi hành Luật số 56, Bộ Tư pháp đã rà soát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Luật Giám định tư pháp năm 2012 và thấy rằng, một số quy định của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp có những điểm đến nay không còn phù hợp với Luật số 56/2020/QH14, do đó sẽ gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để triển khai thi hành Luật số 56/2020/QH14 một cách đồng bộ, hiệu quả thì việc sửa đổi, việc bổ sung Nghị định số 85/2013/NĐ-CP là cần thiết.
Về nội dung, dự thảo bổ sung quy định người không phải là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng muốn thành lập Văn phòng giám định tư pháp nếu có đủ điều kiện có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định.
Thực tế thời gian qua cho thấy, ở các lĩnh vực giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, văn hóa, nhiều vụ việc giám định do cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước thực hiện với tư cách là người giám định tư pháp theo vụ việc, nay một số người nghỉ hưu và muốn thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng do họ chưa từng là giám định viên nên gặp khó khăn khi thành lập Văn phòng. Do vậy, việc bổ sung quy định này sẽ thu hút những chuyên gia là người có trình độ về chuyên môn, có kinh nghiệm thực hiện giám định tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Luật số 56/2020/QH14 bổ sung quy định mới về việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp, do vậy, dự thảo Nghị định quy định rõ việc cấp thẻ cho giám định viên đã được bổ nhiệm trước ngày Luật có hiệu lực. Theo đó, giám định viên tư pháp được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2020 được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp thẻ giám định viên tư pháp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc cấp thẻ cho người đã được bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải hoàn thành trước ngày 30/9/2021.
Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp trong việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp, ra quyết định công nhận cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để phù hợp với quy định của Luật mới. Theo đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì trong việc giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện cấp thẻ để đảm bảo thống nhất.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp liên quan đến một số nội dung quan trọng, như giao Bộ Công an quy định về các chức danh nghề nghiệp; cân nhắc về quy trình và quy chuẩn giám định pháp y; thực hiện quy trình thủ tục thu hồi thẻ giám định viên tư pháp như thế nào; xác định rõ nội hàm được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp; quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, cơ chế xác định chi phí giám định tư pháp…
Kết luận cuộc họp, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết sẽ cân nhắc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan về các vấn đề như bổ nhiệm, cấp thẻ, quy trình quy chuẩn, đặc biệt những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn đòi hỏi sự phối hợp, áp dụng… giữa các cơ quan trưng cầu và cơ quan được trưng cầu.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Mai cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định, tính toán lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo; những vấn đề đặt ra nhưng chưa đi đến cùng; sửa đổi một cách tổng thể những nội dung liên quan đến chi phí giám định tư pháp, vì đây là yếu tố quyết định trong hoạt động trưng cầu và giám định tư pháp.