Tết Tân Mão 2011 đến rất gần và lượng hành khách tại các bến xe ở Hà Nội đang tăng đột biến. Nhân cơ hội này, nhiều chủ xe khách ở Bến xe Giáp Bát đẩy giá gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường.
Khách không vào bến mà đứng chờ ở cổng ra Bến xe Giáp Bát. |
Thời điểm này, các bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đều quá tải lượng hành khách và “thượng đế” đa phần là những người thu nhập không cao, người lao động ngoại tỉnh hoặc sinh viên về quê ăn tết.
1.000 lượt xe mỗi ngày vẫn thiếu
Sáng qua, phóng viên PLVN có buổi khảo sát về giá vé xe khách đi các tỉnh tại Bến xe phía nam Giáp Bát (Bến xe Giáp Bát). Hầu hết các tuyến xe từ đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Buôn Mê Thuật... đều quá tải khách.
Xe vi phạm cam kết bị “cấm vận” 5-7 ngày Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Ban quản lý Bến xe Giáp Bát khẳng định: Bến xe này đã yêu cầu các nhà xe ký cam kết đảm bảo lượng xe đăng ký, đúng giá vé, không chở quá tải, nhồi nhét khách, xe phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Xe vi phạm cam kết sẽ bị cấm vào bến 5-7 ngày. Hành khách mua vé tại bến xe mà khi ra khỏi bến, nhà xe đòi tăng giá có thể phản ánh với Ban quản lý bến xe để Ban quản lý yêu cầu nhà xe hoàn lại tiền. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Ban quản lý Bến xe Giáp Bát cho biết, thời điểm này, bình quân mỗi ngày bến xe đón khoảng 10.000-20.000 lượt khách.
Theo ông Thành, dù bến xe đã chật kín nhưng những ngày tới mới là cao điểm và bến xe sẽ phải phục vụ khoảng 20.000-30.000 lượt khách/ngày. “Hiện tại, chúng tôi bố trí tăng thêm 200 lượt xe/ngày, nâng tổng số xe lên 1.000 lượt/ngày”, ông Thành thông tin.
Đông khách, “béo” nhà xe
Phải chen chúc khổ sở để về được quê, nhưng đó chưa phải là điều mà hành khách bức xúc nhất. Chị Nguyễn Thị Dung (sinh viên, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: “Ngày thường em về quê, giá vé chỉ 60.000 đồng. Đến hôm nay, em hỏi giá vé xe khách về quê, xe nào cũng hô 100.000 đồng”.
Tình trạng xe khách xuất phát từ Bến xe Giáp Bát “bóp cổ” hành khách không chỉ có riêng ở tuyến Giáp Bát (Hà Nội) - Thanh Hóa. Cụ thể, tuyến Giáp Bát - Thái Bình giá ngày thường là 60.000, nay cũng tăng lên 90.000 đồng/vé, Tuyến Giáp Bát - Ninh Bình tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/vé... Nhiều nhà xe nhồi khách chật cứng xe.
Cũng như chị Dung, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (21 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, quê Nam Định) cho biết: “Những ngày bình thường, tôi về quê, giá vé chỉ 50.000 đồng. Hôm nay, hỏi mấy chiếc xe về Nam Định, họ đều báo giá 80.000 đồng”.
Trao đổi với PLVN về tình trạng giá vé xe bị các nhà xe tăng cao, ông Nguyễn Tất Thành cho hay: “Ban quản lý chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh từ khách hàng về việc nhà xe tự ý tăng giá vé.
Nhưng chúng tôi chỉ quản lí trong địa phận bến xe. Còn ở ngoài, lãnh đạo bến xe đã làm việc với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông để đảm bảo quyền lợi cho hành khách. Nhưng hiện nay, có một thực trạng nhức nhối đó là hành khách có thói quen bắt xe khách ở ngoài đường, không mua vé tại bến xe nên gây khó khăn trong công tác quản lí và giải quyết”.
Vấn nạn “xe rùa”
Lời ông Thành nói quả không sai. Nhưng có lẽ ông Thành chưa biết đến hiện tượng “xe rùa” ở Bến xe Giáp Bát. Từ trung tâm điểm tập kết xe trong bến xe này ra đến cổng ở đường Giải Phóng là một đoạn đường dài vẻn vẹn trăm mét nhưng nhiều hành khách “chót” mua vé đã mất hàng tiếng đồng hồ ngồi trên xe khách thì xe mới vượt qua được đoạn đường ấy.
Có một thực trạng gây nhức nhối ở Bến xe Giáp Bát bấy lâu nay mà chưa thấy ai xử lý, đó là việc nhiều chủ xe cố ý dây dưa rời bến để “tóm” thêm khách nên họ cho xe chạy chậm như rùa bò. Để không bị nhỡ việc, nhiều hành khách đành thở dài và chọn lựa giải pháp... đứng đường vẫy xe để khỏi phải trải qua “con đường đau khổ” của những người mua vé và xuất hành từ trong bến.
Chị Nguyễn Thùy Linh (sinh viên, quê Yên Bái) tâm sự: “Sáng nay em ra Bến xe Giáp Bát để bắt xe về quê ăn tết. Xe của em chạy từ 8h sáng, vậy mà đến hơn một tiếng đồng hồ, chiếc xe vẫn ì ạch bò trước cổng ra của bến xe. Bực mình quá, em đành xuống xe không đi nữa”.
Theo quan sát của phóng viên, tại bến xe Giáp Bát, có rất nhiều xe để ra khỏi bến đã mất hàng giờ đồng hồ. Nhiều xe không chịu xếp khách trong bến, cho xe ra cửa bến rồi dừng để bắt khách khiến cho giao thông bị ùn tắc.
Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đều “việt vị” Các nhà xe ở Bến xe Giáp Bát có nhiều chiêu thức tinh vi để “qua mặt” Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông về hành vi nhồi nhét khách của mình. Chẳng hạn, dọc tuyến đường Giải Phóng, nhà xe bắt khách chật kín nhưng trước khi đến trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông thì xe lập tức dừng lại, cho khách xuống đi bộ một đoạn. Qua trạm kiểm soát, xe dừng lại chờ khách rồi... đi tiếp. Hoặc cũng có nhiều nhà xe chọn giải pháp thả khách xuống và “nhét” sang các xe taxi, chạy ra đến ngoài đầu đoạn đường Pháp Vân tiếp tục đón khách lên xe. |
P.V.