Khi 115 bị… núp bóng!
Tận thu, “chặt chém” tiền bệnh nhân, không đảm bảo chất lượng cũng như vấn đề an toàn trong khâu cấp cứu, vận chuyển… là muôn vàn những hệ lụy từ vấn nạn “nhái mác” xe cứu thương 115 mang lại. Thông qua phương thức trà trộn, khoác “áo” 115, những chiếc xe “dù” này hoạt động khá dễ dàng trong khu vực BV.
Khoảng thời gian năm 2008 là thời điểm xe “nhái” 115 nở rộ và thực sự trở thành vấn nạn, một nỗi ám ảnh đối với các BV. Những chiếc xe “nhái mác” cấp cứu ấy lượn lờ chật kín các BV lớn như Việt Đức, Thanh Nhàn, Bạch Mai…, chúng lộng hành phổ biến đến mức Ban Giám đốc BV Việt Đức phải lên tiếng đề nghị dư luận và các cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh.
Những tưởng sự việc trên đã lắng dịu, nhưng chưa hẳn. Sau một thời gian khảo sát tại một số BV lớn như: Bạch Mai, Nhiệt đới Trung ương, Thanh Nhàn…, PLVN đã ghi nhận được nhiều dấu hiệu chứng minh hiện tượng trên dường như vẫn chưa được xử lý triệt để.
Cụ thể, khoảng 9 giờ ngày 3/11 tại khuôn viên BV Bạch Mai, ngay trước cửa nhà thuốc BV chình ình hai chiếc xe “cấp cứu” mang biển kiểm soát (BKS) 30S 131… và 30P 615….
Đáng nói, ngoài việc dừng đỗ ngay trước tấm biển “khu vực cấm đỗ xe”, hình dạng, nhãn mác bên ngoài của hai chiếc xe trên hoàn toàn tương đồng với xe cấp cứu “xịn”.
Cùng thời điểm đó, ngay trước cổng chính lối vào BV Nhiệt đới Trung ương, một chiếc xe mang BKS 30X 882… thản nhiên nằm xen lẫn trong đám xe chuyên dụng 115.
Đáng lưu tâm, ngoài việc BKS chiếc xe không có màu xanh thì phần “nhãn mác” từ dấu chữ thập đỏ in ở thành xe, số điện thoại, còi hú thậm chí cả dòng chữ “vận chuyển bệnh nhân 24/24h” cũng hoàn toàn không khác xe cấp cứu “xịn”.
Cần chấn chỉnh ngay!
Trên thực tế, đa phần người dân khi có vấn đề về sức khỏe, tâm lý chung là họ thường ít chọn lựa các phương tiện chuyên dụng, thậm chí còn tự chở bệnh nhân đến BV bằng phương tiện sẵn có.
Nắm được điều này, với vẻ ngoài gần như không khác gì so với xe cấp cứu chuyên dụng, hàng trăm chiếc xe “dù” ấy thoải mái “chặt chém” bệnh nhân. Đơn cử như quãng đường từ Hà Nội về Phủ Lý (Hà Nam) chỉ ngót 60km nhưng nhiều trường hợp bị các xe “nhái” thoải mái “hét” giá tới hơn 1 triệu đồng.
Trong khi đó xe chuyên dụng thật chỉ tính mức cước thấp hơn taxi. Cụ thể, cấp cứu tại nhà với cự ly dưới 10km thu có 80 nghìn đồng cho ê kíp cả thuốc, nhân lực; cấp cứu chuyển viện thu 120 nghìn đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội hiện tại có 5 điểm và 14 xe phục vụ trên địa bàn thành phố. Nếu tính đơn giản thì 14 xe trên sẽ phải “cõng” 4 triệu dân. Hay nói cách khác, kíp trực 115 dù được chuẩn bị phương án luân phiên 24/24h kỹ lưỡng cũng khó có thể đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hàng triệu con người như vậy.
“Cung” ắt sẽ có “cầu”, một số BV lớn để giảm thiểu tình trạng “nhái” xe cấp cứu 115 cũng như giảm bớt áp lực cho hệ thống xe chuyên chở của BV, họ đã tiến hành thành lập thêm những đội xe vận chuyển.
BV Bạch Mai là một điển hình. BV này đã thành lập hẳn một đội xe vận chuyển người bệnh. Tuy nhiên, những xe này không được “gắn mác” Bệnh viện Bạch Mai, cũng không có biển kiểm soát màu xanh…
Hiện trạng trên cũng manh nha xuất hiện ở BV 103. Tại cổng BV này, theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục xe taxi, cứu thương đủ loại lượn lờ xếp hàng đợi khách. Trong số đó có cả một số xe cứu thương có dán logo nhãn hiệu Thiện Đức.
Qua tìm hiểu được biết, phía Bệnh viện 103 có kí hợp đồng vận chuyển cứu thương với một Cty mang tên Thiện Đức (thường được biết tới với tên gọi Đội cứu thương 117). Ngoài việc được trang bị đầy đủ các dụng cụ cấp cứu cần thiết, những xe này cũng được phép hoạt động trong BV.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như khu vực trên chỉ tồn tại “Đội cứu thương 117”. Trước cổng cơ sở y tế lớn này hiện nay xuất hiện không ít các xe “nhái” chủ yếu mang logo Thiên Đức và không được ký kết hợp đồng hoạt động với BV. Cần phải nói rõ, những chiếc xe này dán tên “Thiên Đức” tức là cố ý ghi thiếu dấu nặng so với “Thiện Đức”, khi khách hàng không chú ý sẽ nhầm tưởng đó là xe cấp cứu trực thuộc sự quản lý của BV.
Có một điểm chung giữa hai đội xe cứu thương trực thuộc sự quản lý của BV Bạch Mai và BV 103 đó là dáng vẻ bên ngoài của những chiếc xe này hoàn toàn tương đồng với xe 115 “gốc”, duy chỉ có BKS vẫn là màu trắng chứ không phải màu xanh.
Đáng ngại hơn, giữa những chiếc xe được phép hoạt động so với xe “dù”, xe “nhái” hoàn toàn không có sự khác biệt nhiều. Có chăng chỉ có thể phân biệt qua phần logo in nổi trên xe là “Thiện Đức” hoặc “Thiên Đức” như phía BV 103 mà thôi.
Hẳn nhiên, với dáng vẻ bên ngoài thiếu sự đồng bộ, thậm chí không có nhiều sự khác biệt so với các xe cấp cứu giả như vậy vô hình trung đã gây ra khó khăn cho bệnh nhân trong việc nhận diện xe thật, xe giả.
Để giải đáp những băn khoăn xoay quanh việc mập mờ, thiếu đồng bộ, góp phần phân biệt xe cấp cứu 115 “xịn” với xe giả, sáng ngày 7/11, chúng tôi đã liên hệ với Phòng trực điều hành xe của BV Bạch Mai.
Tuy nhiên, một cán bộ điều hành cho biết vấn đề này phải liên lạc với bên Trung tâm (?!). Trước khi vấn đề trên được gãy góc, để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân cũng như tránh ảnh hưởng đến uy tín của 115 cùng các BV liên quan.
Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng cần đưa ra những biện pháp triệt để hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng xe cứu thương thiếu đồng bộ, vàng - thau lẫn lộn như hiện nay.