Ngồi chờ xe bus tại bến Mỹ Đình, Phạm Linh Duy Quỳnh (21 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Tôi đi sang nhà bạn, bình thường tôi đều di chuyển bằng xe bus. Nếu thời gian trước dịch không nhanh không có chỗ ngồi, giờ capo điểm hành khách phải chen chúc thì nay trên xe hầu như không có khách”.
Lượng khách sử dụng xe bus hiện ít hơn hẳn so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 |
Một hành khách khác tên Nguyễn Quân cũng ngồi chờ xe xuất phát tại Bến xe Mỹ Đình chia sẻ, vì việc gia đình nên phải di chuyển từ Mỹ Đình sang Giáp Bát. "Trước đây, dù giờ thấp điểm thì tuyến xe bus tôi đi vẫn rất đông khách. Nhưng nay chỉ có vài khách ngồi trên xe”, anh Quân nói.
Anh Quân cho rằng, ý thức phòng dịch COVID - 19 của người dân đã thay đổi và nâng cao hơn nhiều so với trước đây. Tình hình dịch vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp nên có thể nhiều người hạn chế sử dụng phương tiện công cộng.
Những chuyến xe bus đều vắng khách. |
"Chưa bao giờ chạy taxi lại bi đát như bây giờ!"
Hơn 2 tháng ở nhà nghỉ dịch, sáng qua, 14/10, anh Trần Ngọc, hào hứng lái xe taxi đi đón khách. Anh Ngọc quê Thanh Hóa, ra Hà Nội làm lái xe taxi đã 4 năm. Để đỡ tiền nhà trọ, anh thuê phòng cùng 2-3 người khác. Khi bùng dịch, anh Ngọc “mắc kẹt” lại Hà Nội.
Hơn 2 tháng nay anh không kiếm ra tiền gửi về cho gia đình. Trong khi xe vẫn phải bảo dưỡng định kỳ. Anh mua xe trả góp, vì vậy thời gian nghỉ dịch, mặc dù được công ty hỗ trợ không thu phí bộ đàm, nhưng anh vẫn phải trả góp mỗi tháng 8 triệu cho tiền mua xe. Số tiền dự phòng của anh cũng đã “về số không". Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, anh Ngọc thấy mừng vì được đi làm trở lại.
Những chiếc xe taxi "nằm im" đợi khách |
Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài vì trong hơn 1 ngày, anh Ngọc không được "cuốc khách" nào. Tuy nhiên, anh Ngọc cũng chuẩn bị tâm lý có thể tiếp tục “ế khách” và sẵn sàng chờ đợi.
“Hôm qua tôi bắt đầu chạy xe nhưng khách ít lắm. Taxi xếp hàng dài hết nhìn đường lại nhìn nhau. Chưa bao giờ chạy taxi lại bi đát như bây giờ!. Xem ra kiếm thu nhập sau dịch không đơn giản. Nhưng được đi làm vẫn hơn ở nhà ngồi chơi", anh Ngọc bày tỏ. "Hy vọng mọi thứ trở lại thực sự bình thường để mọi người đi làm, tôi có khách và sớm được về quê thăm gia đình”.
Anh Trần Ngọc, lái xe taxi tại Bến xe Mỹ Đình. |
Anh Ngọc cũng cho biết, anh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ 2 mũi. Biết công việc lái xe có thể tiếp xúc với những trường hợp nhiễm bệnh, vì vậy anh đã chuẩn bị sẵn mã QR code để khách hàng khi lên xe sẽ quét, đồng thời luôn chuẩn bị nước sát khuẩn và vệ sinh xe thường xuyên.
Cũng như anh Ngọc, ông Nguyễn Văn Chung, chạy xe ôm được hơn 2 năm tại Bến xe Mỹ Đình bắt đầu chạy xe ôm trở lại từ ngày 14/10. Ông đi từ xã An Khánh, huyện Hoài Đức lên Bến xe Mỹ Đình.
Ông Chung chia sẻ: “Xe ôm cũng chưa có khách. Bến xe thì vắng, hôm qua ngồi chơi, từ sáng đến giờ mới được 1 cuốc xe 20 nghìn. Khá buồn, nhưng dù sao, được đi làm trở lại tôi cũng thấy thoải mái hơn. Đi làm may chăng được 1-2 khách thì cũng có đồng ra đồng vào, cứ ở nhà mãi thì cả gia đình không biết sống tiếp thế nào”.
Xe ôm cũng chịu cảnh ế khách như xe bus và taxi. |
Ông Chung cho rằng, so với lúc chưa có COVID -19, thời điểm này khó khăn hơn, những người chạy xe ôm như ông chỉ chờ người từ các tỉnh về lại Hà Nội, đi công việc thì mới có khách. Hiện người dân vẫn “e dè” dịch bệnh nên xe ôm vẫn “ế khách”.
“Làm nghề xe ôm như chúng tôi quả thật không thể tránh được việc có thể tiếp xúc với người mắc bệnh mà bản thân họ cũng không biết, nhưng tôi đã được tiêm 2 mũi vaccine nên yên tâm hơn. Tuy nhiên, dù sao cũng phải cẩn thận, tùy theo tình hình thực tế”, ông Chung cho biết thêm.