“Luật làng” mộ phải cách đường 200m
Theo quy ước văn hóa làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa đã được đại diện các thôn, tộc trưởng và UBND xã xác nhận ngày 8/8/2014, Điều 11 trong Quy định nghĩa trang, nghĩa địa nêu rõ: “Mai táng phải cách đường thôn 200m tính từ tim đường”.
Thế nhưng, theo nhiều người dân nơi đây, ông Thanh đã dùng đất tại khu dân cư xóm Mới trên đường thôn 4 để xây công trình lăng mộ đồ sộ. Lăng này đã vi phạm khoảng cách theo quy định trong quy ước làng văn hóa như đã nói trên. Từ lăng ra đường thôn chỉ chừng 20m.
Ông Đặng Dũng (ngụ thôn 4) cho biết, việc chấp hành quy ước hương thôn của dân làng nơi đây rất nghiêm túc, chưa từng có ai vi phạm. Thậm chí, một số hộ dân nơi đây lỡ xây dựng lăng khi chưa có quy ước nhưng lúc tạ thế sau ngày 8/8/2014, bị vướng nên phải đem an táng nơi khác cho đúng quy định. Những lăng vi phạm, dân đành để vậy, không bỏ xác vào.
“Ai cũng biết lăng ở vị trí mà ông Thanh đang xây là rất đẹp, gần đường đi, lại có “phong thủy” tốt. Nhưng người đang sống ở làng chấp hành hương ước, không ai dám vi phạm, tại sao ông Sinh ở bên Mỹ về mà ngang nhiên qua mặt UBND xã như vậy? Nếu chính quyền xã không làm mạnh tay, coi như phá bỏ quy ước của làng, khi đó chính quyền tự làm khó mình”, ông Dũng nói.
Điều đặc biệt hơn khiến dân nơi đây bức xúc, đó là khu đất ông Thanh đang xây lăng là cái đập mà từ năm 1971, dân làng nơi đây từng gánh đất đổ vào nhằm chắn nước, gió, cát. Ngoài ra, để làm lăng ông Thanh bị cho là còn tự ý chặt một số cây dương, dân nơi đây gọi là rừng phòng hộ. Dân kiến nghị nên UBND xã Điền Hòa đã xử phạt ông Thanh 2 triệu đồng, đồng thời có thông báo trên loa công cộng để cho mọi người được biết.
Dân làng phản đối việc vị Việt kiều xây lăng trái với hương ước |
Một người phản đối kịch liệt sự việc, đồng thời có đơn gửi lên UBND xã, là ông Văn Công Việt, bức xúc: “Ông Sinh có quốc tịch Mỹ, ông về quê hương chưa có đóng góp gì đã ngang nhiên chặt cây, phá đập, xây lăng vi phạm quy ước hương ước. Vì vậy, tôi đề nghị xã yêu cầu dừng công trình lăng mộ và phải bồi hoàn con đập chắn nước và số cây ông đã chặt phá”.
Vụ mâu thuẫn “thổi bùng” sự việc
Ngôi lăng đồ sộ nói trên được khởi công từ ngày 11/1/2018. Nửa năm trôi qua, mọi việc vẫn yên ổn. Xã không cấm, dân làng không có ý kiến. Tuy nhiên, trước khi bị dân làng phản đối quyết liệt, lại có sự việc khác. Có thể chính vì mâu thuẫn này mà sự việc bị thổi bùng lên.
Cụ thể, vào tối 6/6/2018, ông Đặng Xìn (56 tuổi) có dùng búa đập lăng của ông Thanh. Hôm sau, công an huyện Phong Điền đã về hiện trường, lập biên bản.
Nói về nguyên nhân, ông Xìn cho biết: “Trước đây, những “anh chị em tôi” chưa ra đời (mẹ bị sảy thai) được chôn cất nhiều nơi khác nhau. Đến năm 2005, tôi “quy tập” về gần nhà để dễ dàng hương khói. Những cái mộ nhỏ đó của gia đình tôi nằm cạnh lăng ông Thanh. Vào đầu tháng 6/2018, vợ ông Thanh cố tình san đi. Vì tức giận, không làm chủ bản thân nên tôi mới đập lăng của họ”.
Ông Xìn bên những cây tràm đã bị vị Việt kiều chặt |
Sau sự việc, ông Thanh đòi đền bù 59 triệu đồng nhưng ông Xìn cho rằng việc làm lại những hư hỏng do mình gây ra chỉ tốn tầm 3 triệu. Hai bên lời qua tiếng lại, sau đó ông Thanh chặt 25 cây tràm của ông Xìn trồng, nhằm thông thoáng lăng của mình. Ông Xìn tức giận lại báo chính quyền.
Theo ông Xìn, vào năm 2003, ông được cấp đất ở tại vị trí cạnh miếng đất ông Thanh đang xây lăng. Để bảo vệ đập chắn nước và che gió cho khu dân cư ở đó, ông đã trồng 25 cây tràm trên đập. Vào năm 2016, khi cây lớn, ông đã xin xã khai thác từng phần rồi trồng lại thì xã không cho lấy lý do những cây đó chắn cát vào mùa hè, chắn gió vào mùa đông. Thế nhưng ông Thanh lại ngang nhiên chặt phá hàng loạt mà không hỏi ý kiến gì của mình, chứ chưa nói đến việc hỏi xã.
Ông Xìn là nông dân nghèo, chưa hề phá phách hay làm mất lòng một ai nhưng giờ lại vi phạm pháp luật. Ông cúi đầu nói: “Khi công an huyện về điều tra hỏi ai phá lăng? Tôi nhận lỗi ngay, không hề quanh co gì cả. Tôi chỉ nghĩ sự việc đơn giản nhưng giờ thì thấy phức tạp. Hiện tại tôi chỉ mong hài hòa, yên ổn. Lăng của ông Thanh hư thì cho tôi làm lại, 25 cây tràm tôi trồng ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, dù có việc gì đi nữa, lăng mộ xây trái với hương ước làng thì phải đình chỉ mãi mãi, khi đó dân chúng tôi mới tiếp tục chấp hành hương ước được”.
Nỗi niềm vị Việt kiều
Ông Thanh sinh ra ở Điền Hòa, xa quê từ năm 20 tuổi rồi định cư ở Hoa Kỳ. Gần đây, khi đã lớn tuổi, ông về TP Huế sinh sống, 3 con đều là bác sĩ vẫn ở Hoa Kỳ. Việt kiều này chia sẻ, dự tính xây xong lăng thì ông sẽ đem cốt bà vợ cũ bên Mỹ về cát táng một huyệt, một huyệt để dành cho bà vợ đang sống cùng ông, huyệt còn lại đến khi ông qua đời sẽ hỏa táng rồi đưa vào.
Nằm cạnh “siêu lăng” bị đình chỉ, một bên là mộ ông bà ngoại, một bên mộ ông bà nội của ông Thanh. Những ngôi mộ chôn cất từ năm 1993, xây lăng năm 2006.
Ông Thanh phân bua: “Hai cái lăng của ông bà tôi được xây dựng trước khi có hương ước của làng nên không ai nói gì. Điều khó khăn là lăng tôi đang xây, đó là nơi chôn một người em trai của cố ngoại tôi, vẫn còn cốt ở dưới đất. Giờ tôi xây lăng to đẹp, trước là thờ người đã khuất, sau là nơi an nghỉ của vợ chồng tôi”.
Vị Việt kiều tuổi đã cao nhưng nhìn còn khá trẻ, cho rằng: “Nếu sai hương ước, tại sao không đình chỉ lăng tôi từ lúc mới khởi công. Trách nhiệm thuộc về UBND xã”. |
Vị Việt kiều này tiếp tục: “Trước lúc làm lăng, tôi đã viết đơn báo với UBND xã Điền Hòa, họ đâu có phản đối. Nếu tôi làm sai hương ước thì xã phải đình chỉ ngay từ đầu chứ. Giờ xây gần xong, tốn gần 2 tỷ (tiền công thợ đã 450 triệu) nhưng mới đây, UBND xã Điền Hòa lại thông báo với tui là dân không cho xây, phải đình chỉ. Sao dễ dàng vậy? Khi tui mới đặt đá sao không nói. Thú thật lúc mới làm lăng, tôi không hề biết hương ước gì cả. Cứ tưởng đất phần của tôi từ lâu, không ai tranh chấp, làm là được”. Vị Việt kiều này rưng nước mắt gào lên: “Không lẽ, giờ tôi mất hết”.
Theo ông Thanh, các con ông muốn ông sau khi qua đời được chôn cất ở Mỹ nhưng gần đây ông mới có ý định an nghỉ ở quê hương. Vị Việt kiều này thừa nhận mình chặt mấy cây dương thuộc rừng phòng hộ của làng là sai. Còn việc ông Đặng Xìn đập phá lăng là vì lý do ông Thanh đã xin được xã cho trồng hoa cạnh lăng. Ông Thanh nói: “Theo tôi được biết, khu đất đó, trước đây ông Xìn xin để làm xưởng xì gò hàn nhưng xã không cho. Giờ tôi làm vườn hoa, ông Xìn tức nên đập lăng của tôi đó mà”.
Cán bộ địa phương nói gì?
Ông Nguyễn Văn Vỹ (Trưởng thôn 4) cho biết: “Khu vực ông Thanh xây lăng là một cái đập bằng cát, có ý nghĩa rất lớn với thôn chúng tôi vì nó có thể chắn cát, chắn nước, gió. Ngoài ra, quy ước làng tôi rất chặt, chưa có ai vi phạm cả. Vì thế, việc ông Thanh xây lăng sai quy định khiến dân bức xúc là đúng”.
Vẫn lời vị trưởng thôn: “Trước sự việc đó, UBND xã đã yêu cầu tôi mời toàn dân thôn 4 tham dự. Lần đầu tiên, cả hệ thống chính trị của thôn đi từng nhà dân để mời họp (ý nói sự kiện này rất đặc biệt vì các thông báo khác, thôn xã thường dùng loa để mời chung - PV).
Hương ước làng văn hóa được mọi ban ngành nhất trí |
Những cuộc họp dân trước đó có tầm 30 người dự nhưng tối 20/6, số lượng người họp gấp đôi so với bình thường. Chủ tịch UBND xã trực tiếp chủ trì rồi đưa ra kết luận “Đình chỉ công trình lăng mộ của ông Nguyễn Thiện Thanh vì vi phạm quy ước làng văn hóa Thế Chí Tây””.
PV đã có cuộc gặp ông Nguyễn Đăng Phúc (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa) để tìm hiểu sự việc. Vị chủ tịch xã cho biết, hương ước là quy định của làng; tuy vẫn có sửa đổi, bổ sung nhưng dựa trên luật pháp nên khá chặt chẽ. Việc ông Xìn phá lăng ông Thanh, thuộc thẩm quyền công an huyện vì xã đã hòa giải nhưng không thành.
Nói về chuyện cũ vì sao từng cho ông Thanh xây lăng, vị chủ tịch xã giải thích: “Trước đây ông Nguyễn Thiện Thanh có làm đơn xin xây lăng, ông ấy cũng đã cam đoan là ở dưới có mộ ông cố nên chúng tôi mới cho phép xây dựng”, ông Phúc cho biết.
Lăng mộ đang xây trên bia ghi rõ tên Nguyễn Thiện Thanh và hai bà vợ (một bà chết 2009, một bà đang sống với ông), lấy đâu ở dưới có mộ cũ, làm sao có hài cốt, liệu có sự dối trá không? Vị Chủ tịch xã này giải thích: “Xã tôi có 4 cán bộ trông coi, phân chia các mộ phần. Khi có đơn xin xây lăng của ông Thanh, 4 người này đã tới xem. Là cán bộ chúng tôi không thể đào mộ lên để xem có hài cốt ở dưới hay không được”.
Người dân địa phương cho rằng dù trên danh nghĩa đã bị đình chỉ, nhưng việc táng trộm hài cốt vào lăng lúc đêm khuya là điều rất có thể xảy ra. Vì thế, nhiều bà con làng Thế Chí Tây lo lắng điều này và có yêu cầu UBND xã Điền Hòa đổ bê tông bề mặt các quách của công trình lăng mộ này để đảm bảo không ai có thể để hài cốt vào trong lăng được.
Nói về sự việc đình chỉ là đình chỉ tạm, hay đình chỉ mãi mãi, vị Chủ tịch xã nói: “Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như thế này nên chúng tôi đang tìm cách giải quyết vụ việc”. Nhiều người cùng chung nhận định, vì sự việc tương đối phức tạp, liên quan không chỉ đến luật pháp mà còn liên quan phong tục tập quán, đụng chạm đến lĩnh vực tâm linh mộ phần, nên sự việc có thể không dễ tìm thấy hồi kết nếu các cấp cao hơn không vào cuộc phân tích phân xử để có một cái kết hài hòa.