Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực

(PLVN) -  Yêu cầu trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh), diễn ra ngày 19/6 với sự tham dự của trên 2.500 đại biểu, kết nối trực tuyến với các địa phương.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng thành tích và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, những đóng góp thiết thực của các địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh Phương Hoa-TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh Phương Hoa-TTXVN)

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC, với chức năng là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN,TC ở địa phương. Do vậy, hoạt động của Ban Chỉ đạo phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, “thành lập cho có”, “được chăng hay chớ”; nhất là tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Đồng thời, phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt đấu tranh PCTN,TC; không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có tính chiến đấu cao; chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn luôn gương mẫu, quyết liệt; tự soi, tự sửa; nói đi đôi với làm; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Từng thành viên Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận, phản ánh, đơn, thư về tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. “Cơ quan, đơn vị, địa phương nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực, mà sau đó các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương lại phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý nghiêm khắc”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Người đứng đầu Đảng ta cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực... Cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.

Cùng với đó, phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh PCTN,TC quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; loại bỏ những biểu hiện làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh Phương Hoa-TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh Phương Hoa-TTXVN)

Khắc phục bằng được tệ “tham nhũng vặt”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, “điểm nghẽn”; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Tổng Bí thư khẳng định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi “Non cao vẫn có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”. Tinh thần là thế và chúng ta phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa.

Trước hết, cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Khi phát hiện thấy sai phạm, phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ “tham nhũng vặt”, gây bức xúc trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới; kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp.

Thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào; dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung. “Nếu các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, thì còn nói được ai? xử lý được ai? Do vậy, phải thường xuyên quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo, kịp thời điều chỉnh, thay thế những thành viên yếu, không đáp ứng yêu cầu” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN,TC thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch, Tổng Bí thư cũng yêu cầu có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phải PCTN,TC, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan PCTN,TC...

Báo cáo tóm tắt sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho thấy, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước.

Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo... Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm một năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can; xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTN,TC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...