Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước: Không ngừng phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư

Hương ước, quy ước góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)
Hương ước, quy ước góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là một trong những nội dung Nhân dân bàn và quyết định trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.

Tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

Phạm vi nội dung của hương ước, quy ước

Tùy theo yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, bảo đảm kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp của hương ước, quy ước đã có và mục đích, nguyên tắc theo quy định, cộng đồng dân cư lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để đưa vào phạm vi của hương ước, quy ước:

- Các biện pháp, phương thức thích hợp giúp người dân trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của cộng đồng dân cư; động viên và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân.

- Các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình; phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh.

- Các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, cộng đồng và công dân; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn; xây dựng và phát huy tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời; đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề, khuyến công, khuyến nông ở địa phương.

- Các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước nhưng không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

- Các nội dung cần thiết khác do cộng đồng dân cư quyết định.

Soạn thảo, thông qua và thực hiện hương ước, quy ước

Nghị định số 61/2023/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và điều kiện để xây dựng hương ước, quy ước, như về các nội dung: Đề xuất nội dung hương ước, quy ước; Soạn thảo nội dung hương ước, quy ước; Lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước; Thông qua hương ước, quy ước; Công nhận hương ước, quy ước; Tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước; Sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước; Bãi bỏ hương ước, quy ước... Đây là những quy định cụ thể để hương ước, quy ước có hiệu lực và đi vào cuộc sống trong cộng đồng dân cư.

Hương ước, quy ước đã được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận phải được Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư để biết, thực hiện bằng hình thức niêm yết công khai tại nhà văn hóa - khu thể thao của cộng đồng dân cư, điểm sinh hoạt cộng đồng và ít nhất một trong các hình thức như: Hội nghị của cộng đồng dân cư; Thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở; Sao gửi đến từng hộ gia đình; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cộng đồng dân cư; Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; hoạt động hòa giải cơ sở của đội ngũ hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; hoặc Hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư.

Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến nội dung của hương ước, quy ước cho hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cộng đồng dân cư tổ chức thông tin, phổ biến, truyền thông và thực hiện hương ước, quy ước.

Việc rà soát, đánh giá thực hiện hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thực hiện hằng năm, theo quy định: Thời điểm: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18 tháng 11) hoặc một ngày quan trọng được cộng đồng dân cư thống nhất; Hình thức: Cuộc họp hoặc lồng ghép trong hội nghị của cộng đồng dân cư do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư; Nội dung: Rà soát nội dung; đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên; đôn đốc, nhắc nhở, phê bình hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước.

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.