Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.
Cùng với đó là “xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi những chủ trương, đường lối trên, cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, bảo đảm tính đồng bộ về hệ thống pháp luật, chính sách. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phải đầy đủ, đồng bộ, thực sự hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, phải không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, chính sách thể hiện ở hệ thống pháp luật đầy đủ, cụ thể, minh bạch làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Hệ thống pháp luật, chính sách phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Đồng thời, cần tăng cường việc thực thi pháp luật phải hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh...
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Song song với đó là tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, cần xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, cơ quan thực hiện quyền tư pháp và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.
Cần tập trung xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp. Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Nâng cao hiệu quả và bảo đảm thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ ba, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Để làm được điều này, cần thay đổi cách làm luật theo nguyên tắc các cơ quan thực thi pháp luật không soạn thảo văn bản pháp luật. Nhà nước cần tiếp tục giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ và đến cùng trước lợi ích của nhân dân, của quốc gia và dân tộc.
Cần nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường. Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; đổi mới cách thức xây dựng văn bản, tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách (cơ quan thực thi chính sách không xây dựng chính sách), thực thi nghiêm túc và có chế độ kiểm tra, phản hồi chính sách kịp thời.
Một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. |
Thứ tư, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ở nhóm giải pháp này, cần lập chương trình rà soát những điểm vênh, khác giữa các luật hiện hành và có kế hoạch chỉnh sửa ngay, càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Cải thiện rõ rệt hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo nhất quán, đồng bộ, công khai, minh bạch, có trách nhiệm, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chú trọng tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật. Để thực hiện được mục tiêu này, cần đảm bảo phân quyền hợp lý; xác lập chế độ ủy quyền giữa cấp trên và cấp dưới cùng các điều kiện thực hiện chế độ ủy quyền và trách nhiệm báo cáo, giải trình… Cần khuyến khích làm giàu hợp pháp; dứt khoát xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đặc biệt, chú trọng thực hiện nguyên tắc ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng gì tư nhân, người dân làm tốt, thì để tư nhân, người dân làm. Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Thứ sáu, tư duy về cải cách hành chính không phải hướng vào những công việc mang tính kỹ thuật nghiệp vụ về ban hành hệ thống pháp luật, sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính,… mà phải dựa trên nền tảng cơ bản về đổi mới vai trò và chức năng của Nhà nước hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân và vì dân. Tư duy đó liên quan cách tiếp cận và xử lý mối quan hệ Nhà nước - thị trường - doanh nghiệp - công dân, trong đó Nhà nước phải chuyển từ vai trò Nhà nước điều hành trực tiếp các hoạt động kinh tế - xã hội sang vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Cơ chế, chính sách phải thực sự thông thoáng, linh hoạt nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
Thứ tám, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. Cần phát huy mạnh mẽ, chủ động, tích cực sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào việc kiểm soát quyền lực. Xây dựng và thực thi cơ chế, chế tài đủ mạnh để các tổ chức bộ máy, các nhóm người, các cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao. Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất.
Để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền. Vì vậy, cán bộ và công tác cán bộ là công việc hết sức hệ trọng, quyết định sự thành - bại của sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, của Đảng ta....
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng TƯ,
nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản