Phát huy sức mạnh về tổ chức và hoạt động của Nhà nước
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trung tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Báo cáo đã đề ra yêu cầu: Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế, thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp 2013, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, bặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cùng với đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Với tư cách là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQ tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng cách phát huy sức mạnh về tổ chức và hoạt động của Nhà nước để Nhà nước đó thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thông qua những việc làm cụ thể như: tham gia xây dựng Nhà nước; tham gia xây dựng pháp luật; tham gia quản lý Nhà nước.
Về tham gia xây dựng Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham gia cùng Nhà nước tiếp tục đổi mới việc tổ chức bầu cử Quốc hội, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Thực thi quyền và trách nhiệm được ghi trong Luật Bầu cử Quốc hội, MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các bước hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, đặc biệt là nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan hành chính, tư pháp.
Một trong những biện pháp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn các đại biểu Quốc hội là Mặt trận chủ trì phối hợp với chính quyền cơ sở làm tốt việc lấy ý kiến của nhân dân nơi ứng cử viên sinh sống về phẩm chất, đạo đức, lối sống, mối quan hệ và sự biến động về kinh tế, lấy phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm của cư dân đối với ứng cử viên đó. Đồng thời, tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa ứng cử viên với đông đảo cử tri, giúp ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử.
Là một thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, MTTQ Việt Nam thực hiện quyền giám sát bầu cử, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri trong quá trình bầu cử, giám sát thủ tục, trình tự tổ chức bỏ phiếu, kiểm phiếu, bầu lại, bầu thêm v.v… chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân giám sát thực hiện các quy trình bầu cử.
Đối với việc tham gia tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, Thẩm phán Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, với trách nhiệm là Ủy viên Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải nói tiếng nói của tập thể Ban thường trực, khách quan, công tâm và chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch về lá phiếu của mình, nhằm góp phần xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
Ông Nguyễn Túc |
Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, căn cứ vào quy định của Luật MTTQ và Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trên cơ sở tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, của Mặt trận các địa phương và các tổ chức thành viên, Đoàn Chủ tịch kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và đưa vào kế hoạch xây dựng chương trình pháp luật hàng năm và cả khóa để Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới tổ chức, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ các Hội đồng tư vấn, cộng tác viên để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, làm tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trong tham gia quản lý Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung vào những nội dung sau: Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức và nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp với trình độ nhận thức, lợi ích và nghĩa vụ của từng đối tượng, tập trung vào những chính sách, pháp luật thiết thực với mọi công dân như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tôn giáo, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật An toàn giao thông đường bộ v.v…; phối hợp với các cơ quan Nhà nước cải tiến và nâng cao chất lượng tiếp dân. Đồng thời, tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Thanh tra nhân dân, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng...
Chủ động phối hợp với chính quyền thực hiện đầy đủ, hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tham gia tố tụng hình sự, dân sự, lao động, hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức mình, của công dân, của hội viên, đoàn viên theo quy định của Luật Tố tụng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 217/QĐ/TW của Bộ Chính trị và cùng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218/QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân. Việc làm này bổ sung, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, song lại hết sức quan trọng. Chính giám sát của nhân dân nhiều khi đã giúp cho Nhà nước kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những mặt tích cực v.v… góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là phản biện mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng, khoa học và thực tiễn nhằm phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong các dự thảo văn bản của Nhà nước, góp phần đảm bảo các chính sách, pháp luật khi ban hành sát với cuộc sống; mang lại hiệu quả cao, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
Để hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận có hiệu quả, cán bộ Mặt trận các cấp cần thường xuyên nâng cao trình độ hiểu biết về đường lối, chính sách pháp luật, phải sâu sát các tầng lớp nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của nhân dân. Để MTTQ Việt Nam trở thành “nơi hội tụ trí tuệ và sức mạnh của toàn dân”, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tổ chức và phương thức hoạt động, mở rộng và nâng cao chất lượng các hội đồng tư vấn, các tổ chức tư vấn để thu hút đông đảo các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực hiện đã nghỉ hưu tham gia.
Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc làm chưa có tiền lệ, đầy khó khăn; phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Song như nhân dân ta đã tổng kết và được Bác Hồ thường nhắc nhở: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. MTTQ Việt Nam quyết ra sức huy động sức mạnh của toàn dân vào nhiệm vụ, sứ mệnh đầy khó khăn nhưng rất đỗi vinh quang này.
Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)