Hội thảo diễn ra ngày 5/11/2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức. Hơn 70 đại biểu tham gia hội thảo đã đóng góp những góc nhìn đa chiều, giúp hình thành tiếng nói chung cho Việt Nam trước thềm đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: PV) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết “Thỏa thuận toàn cầu khi được thông qua, có hiệu lực thực thi chắc chắn sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa…
Yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5 ở Busan, Hàn Quốc, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có).”
Trước yêu cầu trên, thông qua Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các cơ quan, tổ chức tiếp tục cho ý kiến đối với Tài liệu không chính thức, qua đó làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành tổng hợp, xây dựng phương án kết thúc đàm phán đối với Công ước.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam. (Ảnh: PV) |
Đồng quan điểm, ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động kiến thức và nguồn lực tập thể để đảm bảo một quá trình đàm phán thành công và hiệu quả cho Việt Nam tại INC-5. Theo đó, ông cũng nêu ra một số lĩnh vực quan trọng cần thiết cho chiến lược và sự thành công này, bao gồm: Hướng tới một thỏa thuận phù hợp và đảm bảo lợi ích quốc gia; Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường; Vận động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật; Chuẩn bị cho việc tuân thủ Thỏa thuận thông qua nội luật hóa điều ước quốc tế.
Bà Nguyễn Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam. (Ảnh: BTC) |
Về phía WWF Việt Nam, bà Nguyễn Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, chia sẻ “Phiên họp INC-5 tới đây không chỉ là cơ hội để chúng ta đóng góp thành công vào một Thỏa thuận toàn cầu mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.”
Xuyên suốt Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các kịch bản khác nhau cho Việt Nam, với trọng tâm là những vấn đề then chốt như hóa chất đáng quan ngại, sản xuất và chuỗi cung ứng nhựa và cơ chế tài chính. Chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những phân tích về văn bản đàm phán và các cân nhắc quan trọng đối với Việt Nam. Các báo cáo cập nhật từ các cuộc họp giữa kỳ và văn bản phi chứng thức từ Chủ tịch INC cũng được đề cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy định hóa chất và giảm thiểu sản xuất nhựa nguyên sinh. Đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng đã trình bày về các mục tiêu cắt giảm sản xuất nhựa toàn cầu và tác động tới ngành nhựa.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các kịch bản khác nhau cho Việt Nam. (Ảnh: BTC) |
Bên cạnh đó, ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của UNDP cho rằng sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa trị giá hơn 20 tỷ USD của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa. Tuy vậy, phía UNDP cũng cho rằng lợi ích về sức khỏe và môi trường là rõ ràng, đồng thời mở ra cơ hội cho khối doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tìm kiếm các vật liệu và giải pháp thay thế nhựa truyền thống.
Cũng tại Hội thảo, các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến Thỏa thuận, bao gồm quá trình chuyển đổi công bằng và tác động của nhựa đối với sức khỏe con người cũng được nhấn mạnh để đoàn đàm phán có góc nhìn toàn diện hơn trước thềm phiên họp. Với tham vọng sẽ kết thúc tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, Phiên họp INC-5 dự đoán sẽ đưa đến nhiều kịch bản khác nhau đối với tiến trình đàm phán hiện đang gặp nhiều thách thức do Phiên họp INC-4 được tổ chức tại Canada vào tháng 4 vừa rồi không đạt được nhiều đồng thuận.
Phần trình bày của các chuyên gia trong Hội thảo. (Ảnh: PV) |
Có thể thấy, việc tổ chức Hội thảo này thể hiện sự quyết tâm cao của Việt Nam trong việc tham gia tích cực vào cuộc đối thoại toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Sự chuẩn bị chu đáo và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ đặt nền móng cho vị thế đàm phán của Việt Nam tại INC-5, hướng tới một tương lai bền vững khi Thỏa thuận được thực thi.