Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động và cơ chế “ba bên” chưa đồng bộ hạn chế việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động…
Số vụ ngừng việc tập thể giảm gần 70%
Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố, số vụ ngừng việc tập thể năm 2009 giảm đáng kể so với năm 2008. Trong năm 2009, cả thành phố có 10 vụ ngừng việc tập thể với 3 nghìn lao động tham gia, giảm 19 vụ và 18683 người tham gia so với năm 2008. Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra ở những quận, huyện khác nhau, không mang tính dây chuyền và do các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng nên thời gian diễn ra các vụ ngừng việc tập thể ngắn, công nhân sớm trở lại làm việc bình thường.
Xét về tính chất và quy mô thì các vụ ngừng việc tập thể nhỏ hơn, diễn biến ôn hòa, hiện tượng đập phá tài sản ít xảy ra. Tuy nhiên một số nơi còn xảy ra tình trạng lôi kéo, kích động công nhân tham gia ngừng việc tập thể. Phần lớn các vụ ngừng việc tập thể xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có đông lao động ở lĩnh vực dệt, may, giày da…Lý giải về các vụ ngừng việc tập thể giảm, nhiều ý kiến cho rằng có phần tác động của suy thoái kinh tế, nhiều lao động lo bị mất việc nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do Hải Phòng là địa phương tích cực triển khai các biện pháp chăm lo, hỗ trợ công nhân khi thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và Quyết định số 1129/2008 của Thủ tướng Chính phủ nên góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người lao động, giảm tranh chấp lao động…
Tuy nhiên một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay là doanh nghiệp vi phạm về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khiến quan hệ lao động căng thẳng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 100 doanh nghiệp, Thanh tra lao động Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phát hiện nhiều doanh nghiệp chưa trả đủ tiền làm thêm giờ, làm đêm và đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Không ít doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh ký hợp đồng với người lao động chỉ cao hơn mức lương tối thiểu 50-100 nghìn đồng. Trong khi đó, mức lương trên hợp đồng lao động là cơ sở thực hiện chế độ BHXH, BHYT, trợ cấp cho người lao động…Thực chất, doanh nghiệp đã lách luật, né tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động khiến họ bị thiệt thòi. Một số doanh nghiệp hàng tháng vẫn trích tiền lương của người lao động nhưng nợ BHXH kéo dài thậm chí trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động…
Thương lượng, giảm tranh chấp lao động
Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp do đơn hàng tăng nên tìm cách tăng ca, tăng giờ làm, thêm vào đó giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao trong khi cơ chế lương, thưởng đối với người lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa thỏa đáng, nguy cơ tranh chấp lao động có thể tăng trở lại. Do đó, để giảm thiểu các vụ ngừng việc tập thể thì việc thực hiện tốt cơ chế thương lượng trong thời điểm này rất quan trọng. Để có mối quan hệ lao động hài hòa phải có cơ chế thương lượng 3 bên, gồm cơ quan nhà nước, đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, hiện cơ chế này chưa đồng bộ nên các bên chưa thực hiện “tròn vai”. Công đoàn, đại diện người lao động lại là người làm công ăn lương của chủ doanh nghiệp, chưa đủ tầm, đủ sức thương lượng. Người sử dụng lao động chủ yếu là các đơn vị làm gia công, giám đốc cũng là người làm thuê, đối tác quyết định thương lượng chính là chủ hàng thuê gia công…
Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: xây dựng quan hệ lao động hài hòa tuy lâu dài, khó khăn nhưng sẽ giải quyết tận gốc vấn đề, không nên chỉ tập trung giải quyết hậu quả của sự bất ổn định xã hội….
|
Hiện nhiều doanh nghiệp bắt đầu khôi phục đà tăng trưởng song cũng còn nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Giai đoạn này doanh nghiệp phải đối mặt với thiếu hụt lao động cùng lúc áp dụng tiền lương tối thiểu mới, chính sách BHTN…Do đó rất dễ xảy ra tranh chấp lao động. Vì vậy, thành phố, các ngành chức năng tăng cường nắm tình hình, tập trung xây dựng cơ chế “ba bên” để đối thoại, hiệp thương nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt cơ chế thương lượng, bảo đảm quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Thủy