Huyện Tây Sơn được biết đến là một trong những địa phương có xuất phát điểm tương đối thấp trong gia đoạn bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với số tiêu chí đạt được bình quân của mỗi xã trong toàn huyện chỉ từ 7 đến 8 tiêu chí và thu nhập bình quân đầu người khoảng 15,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 15%.
Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn nơi đây cũng chưa phát triển chưa đồng bộ; ngoài ra còn có 01 xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Lễ công bố |
Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cùng với diện mạo đô thị Phú Phong đổi thay và phát triển theo hướng hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Tây Sơn.
Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm gần 74%; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2011). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57% (giảm gần 13% so với năm 2011).
Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 17.200 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước là 3.493 tỷ đồng, chiếm 20%; vốn tín dụng 437 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp 90 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân 380 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10.300 tỷ đồng; vốn đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất trong Nhân dân 2.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, với vai trò là khu vực phát triển kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh, toàn huyện Tây Sơn đã hình thành 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472 ha phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp cũng đạt trên 81% đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động tại chỗ.
Được biết, đến nay huyện Tây Sơn đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
“Có thể khẳng định để đạt được kết quả như ngày hôm nay là thành quả của sự chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân địa phương cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh. Đây chính là động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Tây Sơn quyết tâm tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; cùng phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để xây dựng huyện Tây Sơn trở thành đô thị loại IV trong năm 2025 và sớm trở thành thị xã trước năm 2030” - ông Phan Chí Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đến hôm nay, huyện Tây Sơn là huyện thứ 6 của tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trao Quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể từng vùng của tỉnh, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hỗ trợ duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững của các xã sau đạt chuẩn, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững.
Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần phải đổi mới cách làm sáng tạo theo tư duy mới, cách làm mới cũng như tiếp tục tập trung hình thành vùng sản xuất lớn chuyên canh năng suất cao, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng số hóa vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu, cho người dân thoát nghèo, trở thành tỉnh không còn hộ nghèo.
Trao tặng 300 triệu đồng hỗ trợ học bổng cho các học sinh trên địa bàn huyện Tây Sơn, Bình Định |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn bày tỏ sự cảm ơn và nghiêm túc lĩnh hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, xem việc xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.