Thanh Hóa sẽ có trung tâm dầu khí như Vũng Tàu?
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN cho biết, Liên hợp Lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn là nhà máy mới hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn. Những áp lực lớn do cạnh tranh trên thị trường (cả trong nước và nước ngoài), mức độ ổn định và liên tục về chất lượng, phương thức bán hàng, phân phối đang đặt ra những thách thức với đơn vị. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc PVN nhìn nhận, LHLHD Nghi Sơn hiện nay cũng như trong tương lai sẽ mang lại những giá trị và hiệu quả to lớn.
Tổng Giám đốc PVN cho biết đã xây dựng chiến lược đầu tư với 4 trung tâm dầu khí trọng điểm quốc gia, trong đó, lấy Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm miền Bắc với LHLHD Nghi Sơn làm hạt nhân và các DN dầu khí phụ trợ để phát triển đầy đủ các ngành như phân phối kinh doanh sản phẩm hóa dầu, xây dựng hệ thống cảng, tổng kho phân phối các sản phẩm khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu… Đặc biệt, sẽ xây dựng khu chế biến khí và cung cấp khí hóa lỏng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khu công nghiệp trong vùng theo đúng định hướng phát triển năng lượng xanh của Chính phủ.
Như vậy, nếu kế hoạch trên được PVN triển khai và thành công, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm dầu khí như tỉnh Vũng Tàu, tăng thu ngân sách lớn cho tỉnh.
Trước thông tin trên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng bày tỏ sự vui mừng, trân trọng những đóng góp của PVN đối với tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua. Ông Đỗ Trọng Hưng nhớ lại, cách đây hơn chục năm, Thanh Hóa vẫn cách mục tiêu tham gia vào nhóm các tỉnh có tổng thu ngân sách 5 ngàn tỷ rất xa. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của PVN và hoạt động tích cực của các đơn vị trực thuộc, từ một tỉnh nghèo đến nay Thanh Hóa đã thu ngân sách lên gần 29 ngàn tỷ đồng; đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là tỉnh tự cân đối được thu chi và có đóng góp trở lại cho ngân sách Trung ương. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của PVN là rất lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng Nghi Sơn đã mời gọi được “đại bàng” về làm tổ nhưng để đại bàng tiếp tục “đẻ trứng”, mở rộng quy mô là cả một vấn đề. “Chúng tôi mong muốn PVN nhanh chóng trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 LHLHD Nghi Sơn, các danh mục đầu tư kho cảng để Nhà máy Lọc dầu là hệ thống các nhà máy công nghiệp hỗ trợ khâu sau, để Nghi Sơn chính thức trở thành trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia”, ông Hưng nói và cho biết, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất về mặt bằng, giao thông, thủ tục hành chính cho PVN và các đối tác đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đóng góp đáng kể cho ngân sách mỗi năm
Theo PVN, phát triển LHLHD Nghi Sơn trở thành trung tâm Lọc hóa dầu hoàn chỉnh không chỉ phù hợp với quy luật đầu tư về dầu khí mà còn là hạt nhân phát triển kinh tế địa phương. Đây là vấn đề ích nước lợi dân không chỉ cần sự nỗ lực từ phía chính quyền, nhà đầu tư mà còn phải có sự hỗ trợ rất lớn từ các bộ, ngành Trung ương.
LHLHD Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu/năm, chính thức vào vận hành thương mại từ tháng 12/2018. Chủ đầu tư gồm PVN với hơn 25% vốn, còn lại là các nhà đầu tư nước ngoài như Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế và Công ty Idemitsu Kosan…
Trong năm đầu vận hành thương mại, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã xử lý được hơn 7,1 triệu tấn dầu thô từ Kuwait để sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu chất lượng cao. Ước tính công ty đáp ứng khoảng 33% thị phần xăng dầu trong nước của Việt Nam.
Khu kinh tế Nghi Sơn nơi thu hút được nhiều tập đoàn, DN trong nước quan tâm đầu tư với 288 dự án, số vốn đăng ký đầu tư 130.083 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,693 tỷ USD. Trong đó, LHLHD Nghi Sơn được xem là trái tim của Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đến nay, sau hai năm hoạt động thương mại, Lọc hóa dầu Nghi Sơn mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 11 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Dự đoán số tiền đóng góp sẽ còn tăng lên nhiều lần nếu các hạng mục đầu tư của PVN được thực hiện theo kế hoạch.