Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2030 xác định mục tiêu tổng thể là “xây dựng ngành Tư pháp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và đủ năng lực thực hiện tốt các chức năng được giao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, do dân, vì dân”.
Trong đó có các mục tiêu cụ thể để khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của ngành Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quản lý theo hướng hiện đại, hiệu quả, thuận tiện cho người dân, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo, điều hành để đáp ứng kịp thời với các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các nhóm giải pháp về quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự (THADS), xã hội hóa và quản lý dịch vụ công, nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp, hoàn thiện mô hình tổ chức của ngành Tư pháp, vai trò của Bộ Tư pháp trong thành lập, tổ chức và hoạt động của một số thiết chế độc lập (Hội đồng Tư pháp quốc gia, cơ quan nhân quyền quốc gia).
Thống nhất cần có một Chiến lược cho sự phát triển của Ngành, các thành viên Hội đồng Khoa học và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã góp ý nhiều ý kiến cụ thể vào những vấn đề trong quá trình xây dựng và nội dung của Dự thảo Chiến lược như phương pháp tiếp cận, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cơ bản và cụ thể của Chiến lược, các nhóm giải pháp để thực hiện trong điều kiện nhận diện được “cơ hội và thách thức” của ngành Tư pháp nhằm xây dựng được một Chiến lược mang tính định hướng, khoa học cho sự phát triển ổn định của Bộ, ngành Tư pháp.
Ghi nhận ý kiến và quan điểm của các thành viên Hội đồng Khoa học và đại diện các đơn vị thuộc Bộ, trên cơ sở yêu cầu đổi mới đối với sự phát triển của ngành Tư pháp trong tình hình mới theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, cần thiết phải tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp Việt Nam và có đủ điều kiện để thực hiện. Vấn đề là phải tiếp cận rộng hơn về các vấn đề trong xây dựng Chiến lược để Chiến lược phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tương lai, thống nhất được chức năng của ngành từ Trung ương đến địa phương. Dự kiến cuối năm 2014, Chiến lược sẽ được thông qua.