[links()]Khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã ra đời từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, thể hiện vai trò không thể thiếu của pháp luật trong đời sống xã hội. Và vì thế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được trao trọng trách là “cầu nối” để pháp luật đi vào cuộc sống.
Đầu tư cho PBGDPL là đầu tư cho phát triển
Đó là nhận định của nhiều cơ quan, tổ chức, nhất là những cơ quan có chức năng xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Thực tế phát triển chung cho thấy, một xã hội có nền nếp, trật tự theo một hành lang pháp lý thống nhất là một xã hội ổn định và phát triển. Muốn vậy, pháp luật phải được hiện diện qua hành vi, nhận thức của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vì thế, PBGDPL đã được giao trọng trách chuyển tải các qui định của pháp luật đến với người dân, xã hội.
Hình minh họa (Internet) |
Những năm qua, nhiều thể chế liên quan đến công tác PBGDPL đã được ban hành, nhiều giải pháp về PBGDPL được triển khai. Qua đó, công tác PBGDPL đã từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Nhưng Chính phủ cũng đã thừa nhận, kết quả của công tác PBGDPL vẫn còn rất hạn chế khi các hành vi vi phạm pháp luật vẫn gia tăng từng năm cả về mức độ, tính chất và số lượng, do thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc cố tình "lách" luật vì lợi ích riêng, vì thách thức pháp luật. Tình trạng đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo nhận định của các Bộ, ngành, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PBGDPL còn tản mạn, chưa đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao khi mới được điều chỉnh ở các văn bản dưới luật khiến việc triển khai PBGDPL gặp nhiều khó khăn, nhất là trong nhận thức về vai trò và việc đầu tư thích đáng cho hoạt động PBGDPL. Hậu quả là văn bản pháp luật cứ được ban hành, còn nhận thức về pháp luật của một bộ phận dân cư vẫn "dậm chân tại chỗ" và làm công tác PBGDPL luôn bị đánh giá là "hình thức, kém hiệu quả".
Nhận thức rõ những hạn chế của công tác PBGDPL và cũng nhằm đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và trình độ dân trí, Luật PBGDPL đã được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2013. Sự ra đời của đạo luật này không chỉ tạo sự thống nhất trong việc điều chỉnh các hoạt động PBGDPL mà còn nâng tầm, đưa công tác PBGDPL trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương với nhận thức "làm tốt công tác PBGDPL là tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững".
Củng cố nguồn lực cho PBGDPL
Nguồn lực là điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Do đó, từ trước đến nay nhiều địa phương, Bộ, ngành đều rất quan tâm đầu tư cả về nhân lực và kinh phí cho công tác PBGDPL. Kể từ sau khi có Luật PBGDPL, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò của công tác PBGDPL đã chuyển từ xem nhẹ, "khoán trắng cho ngành Tư pháp" sang chủ động, tích cực "vào cuộc" cùng ngành Tư pháp thực hiện PBGDPL.
Sau 9 tháng có Luật PBGDPL, đội ngũ làm công tác PBGDPL tiếp tục được kiện toàn phù hợp điều kiện của cơ sở, địa phương theo qui định của Luật. Một số địa phương đã quan tâm bố trí thêm biên chế cho Phòng PBGDPL thuộc Sở Tư pháp. Đội ngũ giáo viên dạy môn Pháp luật, môn Giáo dục công dân từng bước được củng cố, kiện toàn và chuẩn hóa.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Hiện nay, số lượng báo cáo viên pháp luật Trung ương là 1.049 người; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện là trên 19.000 người; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã khoảng trên 100.000 người.
Sau khi Quốc hội ban hành Luật PBGDPL, một số địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Lai Châu), hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về kinh phí cho công tác PBGDPL (Quảng Trị, TP.Hà Nội, TP.HCM, Tây Ninh…).
Năm 2013, một số Bộ, ngành, địa phương (trong đó có địa phương chưa tự cân đối được ngân sách) đã có sự quan tâm hơn trong việc bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Nhiều địa phương đã dành khoản kinh phí lớn, điển hình như: TP.Hà Nội 9 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 8 tỷ đồng, Lâm Đồng 2 tỷ đồng, Quảng Bình 1,3 tỷ đồng, TP.Hải Phòng 1,1 tỷ đồng… cho công tác PBGDPL.
Sự đầu tư cho công tác PBGDPL dù chưa thực sự đáp ứng yêu cầu song cũng đã phần nào cho thấy những tín hiệu vui và tác động tích cực của Luật PBGDPL vào thực tiễn. Qua đó, có thể tin tưởng Luật PBGDPL sẽ ngày càng có sức sống mạnh mẽ để công tác PBGDPL không ngừng được củng cố và đóng góp cho sự phát triển chung để xây dựng một xã hội "thượng tôn pháp luật".
Huy Anh