Là thành phố trọng điểm khu vực kinh tế phía Bắc, với sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện, gần đây mạng lưới giao thông nội thị Hải Phòng thường quá tải, nhất là vào giờ cao điểm. Để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, thành phố cần xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông quốc gia. Trong đó, hoàn thiện nâng cấp hệ thống Cảng Hải Phòng, xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cảng Nam Đồ Sơn, sử dụng hợp lý vùng cửa sông Hải Phòng; Phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không gắn với quy hoạch tổng thể giao thông khu vực ven biển miền Bắc.
Phát triển giao thông gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia
Những năm gần đây, hệ thống giao thông Hải Phòng được đầu tư, mở rộng, từng bước hiện đại hóa, gắn với quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia. Về đường bộ, dự án nâng cấp quốc lộ 5 được nâng cấp, nối Hà Nội với các cảng biển Hải Phòng, quốc lộ 10-tuyến đường gắn các tỉnh đồng bằng ven biển. Hiện nay dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được triển khai, dự kiến đưa vào khai thác năm 2013. Trên địa bàn Hải Phòng, nhiều tuyến đường được hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả như đường Phạm Văn Đồng, từ cầu Rào đi Đồ Sơn, đường trục qua KCN Đình Vũ, góp phần thu hút đầu tư vào các KCN, trọng điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà. Nhiều tuyến đường khác đã và đang được triển khai như đường liên phường, đường bao đông nam quận Hải An, đường Thủy Nguyên đi Kinh Môn, Hải Dương, các tuyến đường nội huyện, nội thị từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Hệ thống đường giao thông thành phố cần được phát triển phù hợp với quy hoạch chung của cả nước. Ảnh: Duy Thính |
Tại hội nghị tham gia ý kiến vào Dự án quy hoạch tổng hợp giao thông Hải Phòng (IMP) phục vụ CNH, HĐH gắn với bảo vệ môi trường bền vững có sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ khoa học hàng đầu Việt Nam và một số nước như Bỉ, Mỹ, Hy Lạp..., các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đều cho rằng phát triển giao thông Hải Phòng cần đồng bộ, hiện đại, gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trong những năm tới, hệ thống đường nội thị cần được cải tạo, nâng cấp, bao gồm cả quốc lộ 5 và mở rộng đến Lạch Huyện, gắn với xây dựng đường Tân Vũ, cầu Đình Vũ -Cát Hải, nâng cấp quốc lộ 10 đạt tiêu chuẩn đường cấp 2. Xây dựng 1435 km đường vào năm 2020, trong đó có việc nâng cấp 3 tuyến đường bao gồm đường bao phía Bắc qua đường Thượng Lý-Bạch Đằng-Nguyễn Tri Phương-Hoàng Diệu-Lê Thánh Tông-Chùa Vẽ; đường vành đai 2 nằm theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc đi qua Thượng Lý- Dư Hàng Kênh- Chùa Vẽ; đường vành đai 3 qua Minh Đức, Thuỷ Nguyên-Vật Cách, Hồng Bàng sang Kiến An, vòng ra Đồ Sơn phục vụ phát triển các khu công nghiệp. Nâng cấp các tuyến đường đô thị đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 với bề mặt 12m. Nâng cấp tất cả tuyến đường nối khu vệ tinh với trung tâm thành phố. Xây dựng 300 km các tuyến đường nông thôn, tăng diện tích đất sử dụng giao thông lên 6%. Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội cải tạo, nâng cấp thành đường sắt cao tốc. Xây dựng mới tuyến đường sắt từ Cam Lộ nối đường sắt Hà Nội-cảng Vật cách-Đình Vũ với khu công nghiệp Minh Đức-Bến Rừng xuyên qua Thuỷ Nguyên, Đồ Sơn, Kiến An, Kiến Thuỵ; dọc bờ biển nối Hải Phòng với Quảng Ninh, Nam Định. Cải tạo hệ thống đường thuỷ nội địa trên sông Cấm, Bạch Đằng. Xây dựng hệ thống cầu cảng mới trên địa bàn quận Hải An. Cải tạo nâng cấp sân bay Cát Bi đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020, cải tạo sân bay Kiến An. Mặt khác chú trọng phát triển bến xe tĩnh, tăng cường mạng lưới xe buýt công cộng, hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông, quản lý hoạt động giao thông bằng hệ thống giám sát giao thông thông minh. Từng bước phát triển hệ thống giao thông hoàn hảo, hiện đại và đồng bộ, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tiến tới hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Đường Lạch Tray- trục đường chính nội thị Hải Phòng thường xuyên ách tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Trường Giang |
Tạo bước đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 cũng xác định "Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, đất nước". Muốn vậy, các cơ quan chức năng thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối giao lưu quốc tế trên địa bàn thành phố, tạo bước đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Đình Vũ-Cát Hải, Cảng hàng không quốc tế tại Tiên Lãng, đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường ô-tô ven biển, các tuyến đường sắt, đường bộ phục vụ chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Hải Phòng với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Về quy hoạch xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, trước mắt, đẩy nhanh việc triển khai Dự án phát triển giao thông đô thị với tổng mức đầu tư 273 triệu USD vốn WB, trong đó có 98 triệu USD vốn đối ứng trong nước. Theo đó sẽ xây dựng 8 nút giao đồng mức và khác mức, 10km đường từ quốc lộ 10 đến cầu Đồng Hòa với bề rộng mặt đường 68m, 4 làn xe cơ giới, tốc độ khai thác 60-80km/giờ. Xây dựng 10km đường phố chủ yếu từ cầu Đồng Hòa tới đường liên phường quận Hải An rộng 50,5m, sửa chữa đường Trường Chinh, cầu Niệm 1, xây dựng 5 cầu vượt sông và đường bộ. Tranh thủ nguồn vốn trung ương triển khai xây dựng 17,5km quốc lộ 37 nối Vĩnh Bảo với Ninh Giang, Hải Dương; tuyến tránh quốc lộ 10 qua Kiến An theo hướng đi Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương). Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Thủy Nguyên-Kinh Môn, đường trục chính qua trung tâm huyện Thủy Nguyên mới đến Ngũ Lão-Minh Đức. Nhanh chóng hoàn thành xây dựng cầu Khuể, cầu Rào 2, đưa vào khai thác trong 1-2 năm tới, nghiên cứu xây dựng cầu Bính 2 qua sông Cấm, phá thế ách tắc giao thông khi một trong những cầu vượt sông Cấm bị hư hỏng, hoặc dừng hoạt động để bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa.
Xây dựng hệ thống giao thông cần kinh phí lớn, Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là các cơ quan tham mưu của thành phố bám sát các bộ, ngành trung ương để tranh thủ nguồn vốn trong nước, tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, sáng tạo trong huy động các nguồn lực trong nước, nước ngoài theo cơ chế thông qua hình thức BOT, BT, BTT, đầu tư khai thác, chuyển giao công trình sau khi hoàn vốn, hoặc đổi đất lấy công trình…
Anh Tú