Xây dựng gói tín dụng hỗ trợ học sinh sinh viên khó khăn học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù đã được quan tâm nhưng ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, học sinh không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc học trực tuyến theo Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.

Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã rất tích cực chuẩn bị các điều kiện, ưu tiên, huy động các nguồn lực để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là các thiết bị máy tính, đường truyền internet tốc độ cao để triển khai việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, học sinh không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc học trực tuyến theo Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Tăng cường điều kiện để các em học sinh có thể học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)

Tăng cường điều kiện để các em học sinh có thể học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình; hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghiệp ICT tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng các bài giảng để học sinh, sinh viên các cấp học có thể được học tập đầy đủ các môn học theo chương trình giáo dục, đào tạo. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài phát thanh, truyền hình cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức thành viên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát danh sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến, trong đó huy động các nguồn lực xã hội để cùng tham gia; chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1, lớp 2; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?