LTS: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng, thực hiện được mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển.
Bi thư Tỉnh ủy |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên đáng kể, một số ngành và lĩnh vực phát triển vượt bậc; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho sự bứt phá về phát triển kinh tế- xã hội những năm qua, đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm sau. Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ VIII ( 2006 – 2010).
PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vậy xin đồng chí cho biết một số nội dung chủ yếu đã được tập trung thực hiện ?
BÍ THƯ TỈNH ỦY:
Trước hết, đã tập trung công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng với thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tuyên truyền, cung cấp thông tin đến các tầng lớp nhân dân; gắn công tác tư tưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’ đã được triển khai rộng khắp, tạo sự thay đổi từ nhận thức đến ý thức và hành động làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn thể cán bộ, đảng viên; đồng thời, được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Thứ hai, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác củng cố, xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đáng chú ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 30-KH/TU về kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, qua thực hiện đã kịp thời củng cố, chấn chỉnh, đồng thời đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ.
Nhìn chung, trong nhiệm kỳ qua, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng đã nâng lên rõ rệt, thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện trong từng cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị.
Thứ ba, công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ lãnh đạo được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, phát huy được trí tuệ của tập thể.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ 2010- 2015; đã lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, góp phần vào sự thành công của Đại hội.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy cùng các cấp ủy trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết vấn đề chính trị nội bộ của cán bộ, đảng viên, phục vụ cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và kết nạp đảng viên mới.
Thứ tư, các cấp ủy đảng chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, công việc phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực; tập trung giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, cấp ủy viên, giám sát tổ chức đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Việc xem xét thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên được thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, trình tự thủ tục và thẩm quyền; có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên...
PV: Xin đồng chí cho biết rõ thêm về kế hoạch 30 và những kết quả đạt được trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đội ngũ đảng viên?
BÍ THƯ TỈNH ỦY:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII và Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa X), trong nhiệm kỳ qua Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đội ngũ đảng viên.
Đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến đáng kể về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, từ năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 30-KH/TU về kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng đến cuối nhiệm kỳ; thành lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 30-KH/TU.
Qua 2 năm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ công tác đã tích cực tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ; phối hợp với các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy và các đảng ủy trực thuộc hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ chuyên môn về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, xây dựng chương trình, kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng TCCS đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên ở cơ sở.
Tổ công tác cũng đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 21 TCCS đảng thuộc các loại hình làm điểm chỉ đạo, đồng thời tiến hành kiểm tra, khảo sát trực tiếp tại các TCCS đảng được chọn, trên cơ sở đó, xác định rõ những mặt tích cực và hạn chế cũng như nguyên nhân và chỉ đạo những biện pháp chấn chỉnh, giúp các TCCS đảng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai, vận dụng thực hiện nghị quyết của Đảng; trong xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Trong dịp Đại hội Đảng các cấp vừa qua, tổ công tác cũng đã tích cực giúp Ban Thường vụ
Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chủ trương thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn...
Kết quả 5 năm qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đội ngũ đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực, đáng chú ý như:
- Các tổ chức cơ sở đảng đã gắn việc đổi mới phương thức lãnh đạo với chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở; bảo đảm mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ sở đảng đã chú trọng, nâng cao chất lượng sinh hoạt gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, vững vàng trước khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện trong từng cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lựa chọn các vấn đề trọng tâm, lĩnh vực và địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến có tính đột phá trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, phát huy dân chủ trong Đảng, xây dựng và điều hành hoạt động theo quy chế làm việc, từ đó đã phát huy vai trò của từng thành viên trong cấp ủy, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và cả hệ thống chính trị.
- Đội ngũ cán bộ đảng viên đã được xây dựng, củng cố cả về số lượng và chất lượng, từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa; phần đông cán bộ, đảng viên đã được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở.
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên được chỉ đạo triển khai toàn diện ở tất cả các loại hình tổ chức cơ sở đảng, đã chú trọng về chất lượng, quan tâm đến lực lượng thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số, công nhân, trí thức và địa bàn nông thôn, nhất là ở các thôn, buôn còn trắng đảng viên, trắng tổ chức đảng. Nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ đã bồi dưỡng kết nạp được khoảng 8.500 đảng viên, bình quân trên 1.700 đảng viên mỗi năm, vượt 30% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội xác định; tổng số tổ chức cơ sở đảng tăng từ 746 tổ chức vào năm 2005 lên 805 tổ chức vào năm 2010; đã xóa 31 thôn, khu phố không có đảng viên và 191 thôn, khu phố không có tổ chức đảng; hiện nay toàn tỉnh có 1.097/1.270 thôn, khu phố có tổ chức đảng (chiếm 86,3%) và chỉ còn 4 thôn chưa có đảng viên.
- Trong đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, kết quả đánh giá đã cơ bản phản ảnh đúng thực chất về chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên của Đảng bộ. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đều trên 70%; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên luôn giữ ở mức cao, năm 2005 là 74,4%, năm 2009 đạt 88%...
PV: Thưa đồng chí, tuy đạt một số thành quả quan tr?ng song công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, những mặt hạn chế nào cần tập trung giải quyết?
BÍ THƯ TỈNH ỦY:
- Công tác tư tưởng chưa theo kịp với diễn biến tình hình; thiếu nhạy bén trong thông tin, định hướng dư luận xã hội; chưa trực diện đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong nhân dân chưa thường xuyên, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Tệ tham nhũng, lãng phí, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả.
- Quy hoạch cán bộ có nơi, có lúc chưa gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số mặt hạn chế. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chủ chốt ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa khắc phục được tình trạng hụt hẫng về cán bộ, thiếu cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
- Một số tổ chức cơ sở đảng thiếu tính chiến đấu, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị; hạn chế cả về tư duy và năng lực lãnh đạo, nhất là lãnh đạo kinh tế. Năng lực, trách nhiệm cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn thấp. Công tác phát triển đảng viên ở khu vực xã, phường, thị trấn và trong các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
- Nội dung kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra còn dàn trải; một số cuộc kiểm tra còn hình thức, chưa chú trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm... Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
PV: Thưa đồng chí, thời gian tới Đảng bộ Lâm Đồng cần chú trọng những vấn đề nào trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng?
BÍ THƯ TỈNH ỦY:
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX xác định một số mục tiêu như: Hàng năm, có ít nhất 68% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và có 27% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 75% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi năm, kết nạp từ 1.750 đảng viên trở lên. Phấn đấu 100% thôn, khu phố và 90% đơn vị sự nghiệp có tổ chức đảng; 100% thôn và trường học có đảng viên…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện như:
- Quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, sự đồng thuận xã hội. Chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Giữ vững các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.
- Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Thực hiện việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ đảm bảo khách quan, đúng quy trình, dân chủ và công khai; đặc biệt coi trọng việc bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu, cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số ở các cấp, ngành. Kiên quyết thay thế cán bộ có trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức yếu kém mà không chờ đến hết nhiệm kỳ và thời hạn bổ nhiệm lại.
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TW6 (khóa X) “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.
- Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; có biện pháp nhằm phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị- xã hội và của nhân dân đối với tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên; chú trọng kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như lĩnh vực đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý đất đai, tài chính…; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Tập trung triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
PV: Phát huy thành quả của nhiệm kỳ VIII, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ Lâm Đồng sẽ quan tâm trong nhiệm kỳ IX ?
BÍ THƯ TỈNH ỦY:
Nhiệm kỳ tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.
2- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đặc biệt là trong triển khai 5 khâu đột phá, các công trình, địa bàn trọng điểm.
3- Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, của nhân dân.
4- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
5- Xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương.
6- Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
7- Giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về nội dung cuộc phỏng vấn. Chúc Đảng bộ Lâm Đồng tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX thành công tốt đẹp !