Bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách quốc gia về quản trị và tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) – cho biết, Việt Nam thời gian qua đã đầu tư mạnh để nâng hệ thống số cũng như dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, lấy người dân làm trung tâm để phục vụ và đã dần đạt được những tiến bộ nhất định trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo khảo sát của UNDP, Việt Nam hiện có 64 triệu người, tương đương 2/3 dân số sử dụng internet. Nhưng “nhiều người vẫn làm theo cách truyền thống là trực tiếp đến các cơ quan nhà nước để làm các thủ tục thay vì tìm hiểu thông tin trên mạng, thực hiện quá trình đăng ký và xin cấp giấy tờ trên mạng”, bà Huyền cho biết.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của UNDP cũng cho thấy các thông tin từ cơ quan chức năng về cơ chế hành chính công trên mạng để người dân có thể biết được và tiếp cận vẫn còn rất thiếu, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp quốc còn ở mức thấp.
Điều quan trọng trong xây dựng Chính phủ số hay Chính phủ điện tử chính là xây dựng lòng tin. Từ kết quả nghiên cứu của UNDP, bà Huyền khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm tới việc nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân có thể biết đến rộng rãi hơn những nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử để người dân có thể đăng nhập và chia sẻ thông tin cũng như tìm kiếm các thông tin mà họ cần; hay tương tác trực tiếp với các cơ quan hữu quan để các cơ quan nhà nước nhận phản hồi trực tiếp của người dân qua mạng.
Từ thực tế làm việc với Việt Nam vào tháng 7/2018, bà Samia Melhem - Trưởng nhóm kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới – cũng cho biết, bà nhận thấy khu vực hành chính công của Việt Nam đã có nhiều thay đổi để có thể đáp ứng tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, lấy người dân làm trung tâm để phục vụ…
Tốc độ của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ điện tử khá nhanh chóng. Nhận định rằng, nền hành chính của Việt Nam hiện nay vẫn còn dựa quá nhiều vào nền tảng giấy tờ thay vì nền tảng số, bà Samia Melhem nhấn mạnh, thách thức để cải thiện vấn đề này không phải nằm ở công nghệ mà thách thực chính nằm ở con người.