Nỗi lo hiện hữu
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), mỗi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần hàng chục triệu mét khối đất, đá, và cát. Như vậy, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ cần hàng trăm triệu mét khối vật liệu xây dựng (VLXD). Hiện nay, 6 dự án thành phần của cao tốc này đang được thực hiện, địa điểm triển khai có ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Riêng dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, dài khoảng 50km, theo tính toán của TEDI, cần khoảng 7,9 triệu mét khối đất đắp, khoảng 500.000 mét khối đá dăm và hàng triệu mét khối cát để xử lý nền đất yếu. Tương tự, cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài khoảng 100km, cần khoảng 9 triệu mét khối đất đắp nền, hơn 2,5 triệu mét khối đá, gần 600 nghìn mét khối cát xây dựng.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, ở khắp các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều đang có nguy cơ khan hiếm VLXD, nhất là ở những địa phương có nhiều dự án giao thông lớn. Tại Đồng Nai, vừa có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tới đây thi công thêm đại dự án sân bay Long Thành nên vấn đề nguồn cung VLXD đang thật sự cần được nghiên cứu, xem xét.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long (Bộ GTVT) - đơn vị là đại diện chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) cho biết, nguồn cung đủ VLXD để thực hiện dự án đang là nỗi lo của chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương. “Từ trước Tết Nguyên đán 2021 vấn đề này đã được đặt ra, đến nay nỗi lo thiếu VLXD vẫn hiện hữu” - ông Huấn nói và cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết.
Cũng theo Phó Giám đốc PMU Thăng Long, tiến độ dự án phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng vật liệu. Do đó, các địa phương cần sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các mỏ vật liệu đã quy hoạch để khai thác phục vụ thi công cao tốc. Đại diện nhà thầu cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 cũng cho biết, các nguồn vật liệu như đất đắp, cát đắp khan hiếm do nhiều gói thầu cùng lúc xây dựng, trong khi các mỏ vật liệu có trong quy hoạch chưa được địa phương cấp phép.
Tìm hướng tháo gỡ
Một lãnh đạo PMU 7 (đơn vị đại diện chủ đầu tư cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thông tin, các nhà thầu đều báo cáo, nguồn vật liệu trong khu vực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thi công. Đặc biệt, lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, nhiều chủ mỏ vật liệu đã tự ý nâng giá bán. Cụ thể, các loại vật liệu như đất, đá, cát được chào bán cao hơn rất nhiều so với thông báo giá của địa phương (khoảng 30.000 - 50.000 đồng/m3).
Trước tình hình khan hiếm VLXD để thi công cao tốc, mới đây, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với hàng loạt địa phương có cao tốc đi qua. Vị Thứ trưởng này nhận định, quy trình quy hoạch, cấp giấy phép các mỏ vật liệu mất rất nhiều thời gian. Không riêng gì thi công cao tốc, sân bay Long Thành khi thi công cũng đối mặt với tình trạng này. Do đó, trong thời gian chờ cấp phép các mỏ mới, các mỏ đất, đá hiện có cần gia hạn và nâng năng suất khai thác để đáp ứng thi công.
Tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá, qua các dự án cao tốc đang triển khai cho thấy vấn đề phát sinh tại tất cả các dự án là mỏ vật liệu. Mặc dù công tác chuẩn bị đã làm rất kỹ nhưng khi triển khai đồng loạt thì đều xảy ra tình trạng thiếu mỏ, vật liệu tăng giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ, mức đầu tư dự án.
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ lo ngại thiếu VLXD khi cho rằng, dù Nghệ An có 30 mỏ đất đưa ra đấu giá trong thời gian này nhưng thực chất chưa rõ trữ lượng, chất lượng và liệu có đảm bảo làm đất đắp K95, K98 theo tiêu chuẩn hay không.
“Giá vật liệu sau đấu giá như thế nào? Xác định cự ly vận chuyển, xác định tuyến đường công vụ thi công nội, ngoại tuyến, từ đó chính quyền địa phương có cơ sở giám sát khi hoàn trả. Tới đây tỉnh sẽ họp bàn để có phương án giải quyết sớm những vấn đề này” - Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Nghệ An nói trong buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Nhật.