Bắt đầu từ ngày 1-1-2011, việc tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng với những dự án mới được phê duyệt, tính thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất sản xuất kinh doanh,...được tính theo giá đất mới. Do đó, giá đất năm nay thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân mà cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cấp xã, phường lập biểu, đề xuất mức giá
Cách tính mới, được tổ chức thực hiện bài bản, một số những hạn chế của của cách định giá đất nhiều năm trước được khắc phục: đó là đánh giá của nhiều người về việc xây dựng bảng giá đất năm 2011 của thành phố. Tại cuộc họp thành viên Ban chỉ đạo xây dựng bảng giá đất năm 2011 của thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại nhấn mạnh. Đây là năm đầu tiên thành phố thực hiện cách tính giá đất khác mọi năm. Việc xây dựng giá đất được thực hiện với việc lập dự án, rõ quy trình, tiến độ và có ban chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng bảng giá đất được thực hiện theo hướng dẫn, quy định tại Thông tư số 2 của Bộ Tài nguyên-Môi trường UBND thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng bảng giá đất thành phố năm 2011 do đồng chí Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban cùng với sự tham gia của đại diện các quận, huyện và ngành liên quan. Ban chỉ đạo gửi 7236 phiếu điều tra đến 223 xã, phường thị trấn, hoàn thành việc thống kê, thu thập thông tin về thửa đất; trên cơ sở đó tiến hành bóc tách các mức giá, phân loại mức giá theo từng đơn vị hành chính để cấp xã, phường lập biểu đề xuất mức giá cụ thể đối với từng địa phương,… Bên cạnh đó, UBND thành phố thuê cơ quan chuyên môn về định giá đất. Như vậy, chất lượng xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của thành phố.
Đất giáp ranh đỡ hẳn sự tranh cãi
Giá đất ở các khu vực, các vùng giáp ranh, đường kéo dài trên nhiều quận, huyện có sự chênh lệch lớn: Định giá đất theo sự phân loại tuyến đường là cách tính phổ biến của những năm trước. Cách tính này bộc lộ nhiều hạn chế. Theo bảng giá đất 2009, 2010, trên cùng một tuyến đường chỉ có một mức giá. Ví như: giá đất năm 2010, đường Trần Thành Ngọ (Kiến An) chỉ có một mức giá 6 triệu đồng/m2. Nhưng trên thực tế, đoạn từ bờ hồ Hạnh Phúc đến Ngã 5 sầm uất hơn và giá đất trên thị trường đoạn đường này cao 30-50% so với đoạn từ hồ Hạnh Phúc đến Trung tâm y tế quận. Cách tính này bộc lô nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá ở tuyến đường dài, khu vực giáp ranh quận, huyện. Bảng giá đất 2010 chưa thể hiện mức giá các loại đất theo vị trí; còn một số vướng mắc về giá đất ở điểm giáp ranh. Có khá nhiều tuyến đường nhánh có những đầu đường bắt, nối với đường trung tâm đều được định chung mức giá của đường loại 5, 6, 7, 8. Song thực tế, những khu vực đất nằm ở phía đầu đoạn đường có mức giá cao, có nơi bằng 50-70% giá đất trên trục đường chính, nhưng các tuyến đường nhánh, từ đầu đường tới cuối đường cũng chỉ có một mức giá. Như đường Hoàng Quý, đầu đường từ phố Tô Hiệu đến chợ Hàng chỉ có một mức giá 6 triệu đồng/m2. Những bất cập này được hạn chế khá nhiều ở bảng giá đất năm 2011. Cách tính năm nay căn cứ phân loại vị trí đất 1,2,3,...Theo đó, vị trí 1 là thuận lợi nhất, các vị trí tiếp theo có điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
Bảng giá đất nông nghiệp kế thừa và giữ nguyên mức giá đất năm 2010; bảng giá đất ở nông thôn tăng trung bình khoảng 53%, giá đất ở đô thị tại các phường thuộc 7 quận tăng trung bình khoảng 30% so với giá đất ở năm 2010; mức giá đất phi nông nghiệp tính bằng 60% mức giá đất ở trong cùng khu vực như cách xác định năm 2010. Giá đất ở nông thôn thấp nhất 200.000 đồng/m2 và cao nhất 9 triệu đồng/m2. Giá đất ở các phường thuộc các quận đô thị loại 1 có mức giá thấp nhất 4 triệu đồng/m2 và cao nhất 40 triệu đồng/m2.
|
Ngoài bảng giá đất trên, năm 2011 thành phố xác định thêm 2 bảng giá đất khác phù hợp với thực tiễn của thành phố. Đó là bảng giá đất vườn ao liền kề trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không xác định là đất ở và bảng giá đất có mặt nước.
Nhiều tuyến đường được thành phố điều chỉnh mức giá nhà, đất phù hợp với thực tế. |
Còn những băn khoăn
Việc thay đổi khung giá đất theo chu kỳ từng năm sẽ gây nhiều rắc rối trong quá trình thực thi chính sách đền bù, nếu như quyết định thu hồi đất ở năm cũ nhưng thời điểm thu hồi đất lại rơi vào năm mới. Thông thường, giá đất năm sau cao hơn năm trước nên nhiều gia đình có tâm lý chờ giá lên mới chịu giao đất, khiến thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài, gây chậm trễ việc thực hiện dự án. Giá đất thay đổi hằng năm gây phức tạp cho quá trình quản lý của địa phương. Cứ quyết định ngày đầu năm phải ban hành một giá đất mới, nhưng thực tế làm gì có công trình nào làm xong dưới một năm. Chính điều này làm nảy sinh tình trạng: chủ đầu tư nào đóng tiền trước thì giá khác, đóng sau chịu mức giá khác. Trong khi đó, việc xác định giá đất sát với giá cả thực tế vẫn khó thực hiện. Bởi giá đát liên quan đến nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội khác của địa phương. Khá nhiều chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đặt câu hỏi: Quy định phải công bố lại giá đất vào đầu mỗi năm có thực sự cần thiết?
Nguyên Mai