“Trói chân” Messi
Thật ra, những dự đoán xung quanh chuyện Xavi sẽ trở về mái nhà xưa trên cương vị huấn luyện viên là câu câu chuyện không còn mới mẻ. Ngay từ những mùa giải trước, khi Luis Enrique đang dẫn dắt Barca, nhiều lần báo chí Tây Ban Nha nhắc đến việc Xavi sẽ là người thay thế. Tuy nhiên, sau khi sa thải Enrique đầu năm nay, người được lựa chọn lại là Quique Setien.
Nhưng có vẻ như Setien đang thiếu cái “tầm” để dẫn dắt một đội bóng lớn. Điều đó có thể thấy rõ qua phong độ không thật sự tốt của đội chủ sân Nou Camp và hội chứng “phụ thuộc vào Messi” như một điệp khúc lặp đi lặp lại từ trận này qua trận khác. Những ngày gần đây, sân Nou Camp lại dậy sóng khi Messi đòi ra đi. Siêu sao Argentina cũng đã nhiều lần nói về việc ra đi, nhưng hầu hết chỉ là đòn gió.
Còn lần này, anh rất nghiêm túc khi kiên quyết không ký hợp đồng mới. Hiện tại, mối quan hệ giữa Messi và HLV Quique Setien cũng như ban huấn luyện đang vô cùng căng thẳng. Đây như là “giọt nước tràn ly” bởi mấy tháng trước, Messi đã có những động thái gây hấn với Giám đốc Thể thao Eric Abidal. Chưa kể, không ít lần, trên các diễn đàn, Messi bày tỏ sự thất vọng và có phần khó chịu với cách mà Barca đang thể hiện trên thị trường chuyển nhượng.
Hiện tại, quãng thời gian trở lại sau đại dịch, Barca vẫn bất bại, nhưng kết quả lại rất tệ. Cụ thể, họ thắng 3, hòa 3, trong khi đại kình địch là Real Madrid toàn thắng cả 6 trận. Những kết quả này đã khiến khoảng cách điểm của 2 đội biến động mạnh. Cụ thể, trước dịch, Barca đứng đầu bảng, hơn Real 2 điểm.
Xavi chưa tạo được tên tuổi trong sự nghiệp huấn luyện |
Hiện tại, sau chuỗi trận hết sức thành công, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã vươn lên ngôi đầu, hơn đội bóng của Messi đến 4 điểm. Chuỗi trận bi đát cũng trong khi nhìn sang Real, với đội hình đồng đều và những vụ chuyển nhượng khôn ngoan cũng khiến Messi khó chịu và ghen tị.
Từ đó đẩy Barca và Messi ra xa hơn. Tầm ảnh hưởng của siêu sao Argentina lên sân Nou Camp là lớn thế nào, có lẽ không cần phải bàn nữa. Vì thế, khi Setien không thể hiện được nhiều, việc đưa Xavi, một người bạn thân của Messi trở lại là một điều hợp lý.
Xavi vốn là đồng đội nhiều năm của Messi, đều xuất thân từ lò đào tạo trứ danh La Masia. Nhiều năm trời chinh chiến cùng nhau qua rất nhiều các mặt trận đủ để Xavi và Messi có những thấu hiểu với nhau. Việc Xavi lên nắm quyền rất có thể sẽ khiến Messi đồng ý ở lại, bởi tiếp tục sát cánh cùng người đồng đội cũ thân thiết chắc chắn sẽ hơn làm việc với một người mới, mà đến giờ Messi cũng chưa biết đó là ai.
Hơn nữa, Xavi vẫn nổi tiếng là người có cá tính khá trầm, và rất biết cách hành xử. Rất có thể, ông sẽ dùng sự điềm đạm của mình để xoa dịu những cái đầu nóng trên sân Nou Camp. Chưa kể, rõ ràng, Xavi là một huyền thoại sống của Barcelona, là người mà không chỉ cầu thủ, huấn luyện viên mà cả ban lãnh đạo cũng sẽ phải kính nể. Vì thế, tầm ảnh hưởng của ông chắc chắn sẽ khác xa so với Luis Enrique hay Quique Setien.
Trở thành “Guardiola đệ nhị”?
Xavi “cầu thủ” thì mọi người đã quá rõ rồi. Còn Xavi “huấn luyện viên” thì có lẽ chẳng mấy ai biết. Hiện, ông đang là dẫn dắt câu lạc bộ Al Sadd của Qatar. Đây là đội bóng chẳng mấy tên tuổi trên thế giới, cho nên những thông tin về đội bóng này cũng như việc Xavi đang thành công hay thất bại, theo đuổi trường phái bóng đá gì cũng rất ít được cập nhật.
Tuy nhiên, cựu tiền vệ Tây Ban Nha đã từng thổ lộ về triết lý bóng đá mà anh sẽ theo đuổi trong sự nghiệm huấn luyện, đó chính là triết lý mà Barca đã phát triển suốt nhiều năm qua với lò đào tạo La Masia trứ danh cùng tư tưởng của cố huyền thoại Johan Cruyff. Như vậy, rõ ràng Xavi cũng muốn đi theo con đường mà Johan Cruyff đã từng xây dựng và rất thành công, nổi bật nhất là lối chơi Tiki-taka nổi tiếng, khuấy đảo cả châu Âu của Barca dưới thời HLV Guardiola mà Xavi là hạt nhân trong đó.
Trong 4 năm dẫn dắt Barcelona (2008-2012), Guardiola đã mang về sân Nou Camp vô số danh hiệu đáng mơ ước, trong đó nổi bật nhất là 2 chiếc cúp UEFA Champions League (2009 và 2011) cùng 3 lần liên tiếp vô địch La Liga (2009, 2010, 2011). Dù không phải là người khai sinh, nhưng Guardiola đã biến Tiki-taka trở thành thương hiệu để cả thế giới phải ngưỡng mộ và Barcelona có những giai đoạn khiến bất cứ đội bóng nào cũng phải run rẩy khi đối đầu. Nếu trở lại Barca, với triết lý bóng đá từng thổ lộ, có thể nói Xavi đang đi trên con đường trở thành một “Guardiola đệ nhị”.
Không chỉ trường phái huấn luyện, mà hai người có quá nhiều điểm giống nhau. Guardiola và Xavi đều là những huyền thoại sống tại sân Nou Camp và cùng xuất phát điểm từ lò đào tạo của câu lạc bộ và có những năm tháng gắn bó với Barcelona B (đội trẻ). Nếu như Guardiola cống hiến cho đội 1 của Barca 11 năm (từ 1990 đến 2001) thì Xavi thậm chí có đến 17 năm gắn bó (1998 đến 2015).
Xavi-Iniesta-Messi, những nhân tố tạo nên thành công của Tiki-taka |
Cả hai đều là những tiền vệ rất tài hoa, và là những người nổi bật hàng đầu trên thế giới ở vị trí của mình. Đặc biệt hơn cả, chính Xavi là linh hồn của lối chơi Tiki-taka mà Guardiola mang đến. Nói cách khác, không ai hiểu Tiki-taka hơn Xavi. Quả thật như vậy. Người ta vẫn coi bộ ba Messi, Iniesta và Xavi là ba nhân tố tạo nên sự vĩ đại của một lối chơi vốn làm khuynh đảo thế giới.
Ngoài Messi là điểm đến của mọi đường bóng, thì Iniesta là trái tim, còn Xavi chính là bộ não. Xavi luôn có những đường chuyền chính xác cũng nhãn quan sắc bén, khiến khu trung tuyến luôn được kiểm soát để tạo tiền đề vận hành Tiki-taka. Chính sự thấu hiểu đó, không chỉ cách vận hành, mà Xavi cũng sẽ biết tìm ra những con người phù hợp nhất để hệ thống Tiki-taka phát huy tối đa hiệu quả.
Tất nhiên, đó mới chỉ là những dự đoàn. Rõ ràng trên con đường trở thành “Guardiola đệ nhị” khó khăn hơn thế rất nhiều. Đầu tiên, là vấn đề con người. Guardiola tài năng thật sự, nhưng tại sao từ khi ra đi đến nay, trải qua hai Câu lạc bộ lớn là Bayern Munich và Man City, ông không giành thêm cúp vô địch UEFA Champions League mà chỉ quanh quẩn ở những chiếc cúp quốc nội?
Hệ thống Tiki-taka với những biến thể của ông tại các đội bóng mới nếu nói là vận hành trơn tru cũng đúng mà không trơn tru cũng chẳng sai, bởi nó phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố con người, nói cách khách là phụ thuộc quá nhiều vào phong độ của từng cầu thủ hơn là sự vận hành linh hoạt qua từng thời điểm. Sẽ ra sao nếu những Kross, Muller… không ổn định ở Munich hay De Bruyne không quá xuất sắc ở Man City? Lấy ai để thay thế họ?
Ở Barca cũng vậy, Guardiola có quá nhiều may mắn khi trong một thời kỳ, lò đào tạo La Masia sản sinh quá nhiều nhân tài kiệt xuất, lại gắn bó, hiểu nhau đến nỗi “nhắm mắt chuyền cho nhau cũng trúng”. Chính họ đã tạo nên sự trơn tru của một Tiki-taka trứ danh dưới thời Guardiola, thứ bóng đá mà lâu lắm không còn thấy trở lại, bởi không ai thay thế được họ. Vậy Xavi liệu có được một đặc ân khi sở hữu một dàn hảo thủ như vậy? Sẽ rất khó trả lời, khó như việc ông có thể trở thành “Guardiola đệ nhị” không vậy!