Xáo trộn trong nội bộ Mỹ không ảnh hưởng đến quan hệ với Việt Nam

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc trả lời phỏng vấn
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc trả lời phỏng vấn
(PLVN) - Sáng 15/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình đối ngoại của Việt Nam năm 2018 và phương hướng năm 2019.

Quan hệ Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển 

Tại cuộc phỏng vấn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2018 tiếp tục phát triển. Mức độ các chuyến thăm trong năm diễn ra bình thường dù không có các chuyến thăm cấp cao nhất như trong năm 2017, là năm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Thời gian tới, chuyến thăm của lãnh đạo hai nước vẫn tiếp tục. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. “Tổng kết lại 2018, kim ngạch thương mại hai chiều là hơn 100 tỷ USD. Đó là những mặt hết sức tích cực trong quan hệ giữa 2 nước”, Phó Thủ tướng cho hay. 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam – Trung Quốc cũng có những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ, đó là vấn đề trên biển. “Qua các trao đổi, chúng ta vẫn tiếp tục nêu các vấn đề trong quan hệ như những diễn biến trên Biển Đông, đồng thời triển khai 3 cơ chế trên biển hiện có với Trung Quốc. Đó là hợp tác về những vấn đề ít nhạy cảm, hợp tác phân định bên ngoài và hợp tác cùng phát triển. Các vòng đàm phán về các cơ chế này vẫn tiếp tục”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của những xáo trộn trong chính quyền Mỹ năm 2018 đến quan hệ Việt – Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, quan hệ Việt – Mỹ là cả một quá trình phát triển từ cựu thù đến đối tác toàn diện. Quan hệ này không phải là với một đảng cầm quyền mà với cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, không phải là quan hệ với một cá nhân mà là với cả một đất nước. Do đó, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nào trong chính quyền Mỹ. “Điều rất mừng là cả hai Đảng cũng đều rất ủng hộ quan hệ với Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, trong năm 2018, quan hệ Việt – Mỹ phát triển tốt đẹp dù có những thay đổi. “Cá nhân tôi đều đã hội đàm và có quan hệ tốt với Ngoại trưởng Mỹ. Trong năm 2018, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng phát triển rất tốt, lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ vào thăm Việt Nam. Đây là sự kiện chưa từng có, nói lên quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển và không có gì dừng lại”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Việt Nam nhất quán quan điểm Biển Đông là mối quan tâm chung

Đánh giá về diễn biến trên Biển Đông trong năm qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trong năm 2018, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp vì sự thay đổi nguyên trạng do kết quả của việc mở rộng, quân sự hóa các đảo đá; làm cho các nước hết sức lo ngại về khả năng Biển Đông trong tương lai sẽ trở thành khu vực dễ xảy ra xung đột, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định không chỉ trong khu vực mà của cả Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, các nước đều quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. 

Về quan điểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam nhất quán quan điểm rằng Biển Đông là mối quan tâm chung, các bên không được tiến hành các hoạt động có thể đến sự cố, gây xung đột trong khu vực. “Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy và hoan nghênh các sáng kiến nào góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông”, ông nói.

Với Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002. Trong DOC có điều khoản tiến tới xây dựng COC. “Cho đến nay, việc hai bên thương lượng về COC nằm trong tiến trình của DOC, chỉ có điều diễn ra chậm hơn so với mong muốn của các nước. Khi kiểm điểm 10 năm thực hiện DOC, các nước trong ASEAN luôn luôn bày tỏ mong muốn sớm ký kết COC. Tuy nhiên các nước đến năm 2018 mới bắt đầu đi vào thương lượng các thành tố của COC. COC phải thực hiện được các nguyên tắc là hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý và thực thi được. DOC cho đến nay có những điều khoản chưa thực hiện được dù có đánh giá, kiểm điểm thực hiện hàng năm”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.