Huyền thoại Truông Bồn
Gần 53 năm trôi qua kể từ ngày một tốp máy bay của giặc Mỹ ném loạt bom cướp đi sinh mạng 13 chiến sĩ Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 317. Họ - những thanh niên xung phong đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, từ 17 -22 tuổi. Những tấm gương dũng cảm của liệt sĩ TNXP nằm xuống nơi đây đã làm nên “Huyền thoại Truông Bồn”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với chiều dài gần 5km nằm trên tuyến đường 15A (hay còn gọi là tuyến đường 30), Truông Bồn giữ một vị trí hết sức đặc biệt quan trọng, là nơi nối các huyết mạch giao thông: Mốc số 0 Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Đường 7, Đường 34, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Sơn”, ghi lại, suốt cuộc chiến tranh phá hoại, trên vùng trời Đô Lương hầu như ngày nào cũng có máy bay do thám quần lượn, với 5.000 lượt máy bay Mỹ xuất kích từ Thái Lan và đảo Guam tới đánh phá, có ngày cao điểm lên tới 131 lần.
Trong số 18.936 quả bom, tên lửa của kẻ thù trút xuống khu vực này thì phần lớn trong số chúng có đích đến là Truông Bồn. Vì thế, nơi đây được mệnh danh là “túi bom”, là “cửa tử”...
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Truông Bồn. |
Trên những ngọn đồi tại khu vực này không cây cối nào mọc nổi vì chi chít hố bom. Dân cư phải sơ tán đi hết, chỉ để lại các đơn vị TNXP, dân quân và bộ đội phục vụ công tác san lấp, thông đường cho xe qua. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt đó, có nhiều gương anh dũng hy sinh đúng tinh thần: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Sự hy sinh của 13 liệt sỹ TNXP vào ngày 31/10/1968 tại Truông Bồn là minh chứng điển hình.
Trước ngày hôm đó, tiểu đội 2, Đại đội 317 dự định tổ chức bữa cơm thân mật, mà họ gọi đùa: để tạm biệt cuốc xẻng! Bởi ngày mai 8 người trong số họ sẽ được trở về quê hương với những kế hoạch riêng cho cuộc đời mình sau khi hoàn thành nhiệm vụ 3 năm. Chị Hà Thị Đang, chị Cao Thị Phúc, chị Trần Thị Doãn…đã cầm trên tay giấy báo nhập học Trung cấp y tế; anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm về quê làm đám cưới… Thế nhưng dự định nhỏ nhoi về một bữa cơm ấm tình đồng đội vĩnh viễn không thực hiện được.
Nhiều vị khách đến thăm Khu di tích lịch sử Truông Bồn cảm động về sự hy sinh của các thanh niên xung phong. |
Đêm cuối cùng nơi tuyến lửa, Đại đội 317 nhận được lệnh của ban chỉ huy tổng đội “phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng”. 5h sáng, tiểu đội 2 có 12 cô gái và 2 chàng trai nhận nhiệm vụ rời hầm để bám đường. Họ được chia làm 2 tổ, mỗi tổ 7 người bám lấy 2 bên trục đường làm “cọc tiêu sống”.
Khi công việc hoàn thành, có kẻng báo động máy bay địch nên các tiểu đội kịp rút về hầm trú ẩn. Riêng tiểu đội 2 làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về sau cùng. Bất ngờ, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống hàng trăm quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói lửa, trời đất rung chuyển... Ngớt tiếng bom, mọi người dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh, nhưng chỉ duy nhất chị Trần Thị Thông còn sống sót. 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn nằm lại…
Màu xanh tri ân
Đến thăm Khu Di tích lịch sử Truông Bồn vào ngày đầu năm 2021, có thể nhận thấy sự hồi sinh mạnh mẽ nơi này. Những ngọn đồi trên dãy Thung Nưa khốc liệt, từng bị cày nát bởi bom đạn, nay đã được phủ màu xanh ngút ngàn.
Điểm mới tại Truông Bồn là ngay cạnh bên khu mộ chung của 13 anh hùng liệt sỹ TNXP Truông Bồn, có những hố bom không được san lấp. Những hố bom sâu hoắm, khoét nham nhở vào lòng đất như chứng tích vô thanh mà dữ dội. Sự tồn tại của chúng là dụng ý của những người kiến thiết khu di tích lịch sử này.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn được phủ bởi màu xanh ngút ngàn của hơn 2 nghìn cây. |
Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn chia sẻ, mục đích lớn nhất của việc phục dựng những hố bom này nhằm gửi gắm thông điệp về sự khốc liệt của chiến tranh, sự hiểm nguy nơi “tọa độ lửa” Truông Bồn.
Những năm gần đây, xung quanh chứng tích hố bom ấy xuất hiện nhiều hàng cây cao vút. Ông Lộc cho biết, trên diện tích hơn 210.000 m2 khu di tích có khoảng gần 2000 cây to các loài, chưa tính các loài cây, bồn hoa nhỏ khác. Quá trình kiến thiết các hạng mục cho khu di tích, chủ đầu tư và ban quản lý đều hướng tới hài hòa mục đích vừa lưu giữ chứng tích lịch sử, vừa tạo không gian xanh để nơi đây không chỉ là điểm đến tri ân, uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là nơi chốn tham quan, thu hút khách du lịch.
Việc kiến tạo không gian xanh tại khu di tích lịch sử Truông Bồn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Nhất là khi Tỉnh ủy Nghệ An phát động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, hàng trăm tổ chức, cá nhân… đã đồng lòng, góp sức phủ xanh “tọa độ lửa” bằng những loài cây xanh hiếm, quý. Gần 2000 cây xanh sừng sững sinh trưởng ở Truông Bồn hôm nay đã minh chứng rõ nhất cho việc làm ý nghĩa ấy.
Trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn. |
Tản bộ trong không gian khoáng đạt của khu di tích, dường như chẳng thể dừng bước khám phá, trầm trồ ngắm nghía những loài cây đủ chủng loại, hình thế, sắc hoa muôn hồng ngàn tía. Nào lộc vừng đỏ thắm, nào mận quân tím thẫm, nào ban đỏ Tây bắc, nào mận trắng biên cương…Có nhiều loài cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Ấn tượng hơn cả, trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Truông Bồn có những cây sim, cây mua hoa nở quanh năm.
Theo cán bộ chăm sóc cây ở đây, mỗi cây có một “lịch sử” riêng; có cây được chở về từ Tây Bắc xa xôi, có cây phải vận chuyển, hay chiết cành từ miền nam xa xôi… Chẳng biết có phải nhờ khí thiêng Truông Bồn hay không mà gần như 100% các cây trồng nơi đây đều sinh trưởng tốt, kể cả những cây khó sống trên đất lạ.Những năm gần đây, việc áp dụng số hóa bản đồ cây xanh, đánh dấu số hiệu lô thửa, loại cây, đơn vị và thời gian trồng giúp cho việc chăm sóc, thăm cây dễ dàng, thuận tiện hơn.
Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích lịch sử đặc biệt, những màu xanh của muôn vàn loài cây, loài hoa khiến Truông Bồn cứ dần tươi lên như thế, hồi sinh trong những tri ân của lớp lớp thế hệ hôm nay.
"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống, "điểm vàng" du lịch tâm linh
Ông Phan Trọng Lộc cho biết, trung bình 1 năm Khu di tích lịch sử Truông Bồn đón khoảng 200.000 lượt khách (qua đăng ký). Trong đó có nhiều vị khách quay lại. Mục tiêu của khu di tích lịch sử là thu hút nhiều lượt khách từ những thành phần khác nhau như học sinh, cựu chiến binh, cựu TNXP đến những vị khách tự do. Với mục đích phát triển thành điểm du lịch tâm linh, cán bộ Khu di tích lịch sử Truông Bồn đang nổ lực hết mình để phục vụ khách.