“Xanh hóa” xe buýt - không chỉ ở nhiên liệu

“Xanh hóa” xe buýt - không chỉ ở nhiên liệu
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các chuyên gia, cần hiểu “xanh hóa” xe buýt không chỉ nói đến khía cạnh chuyển đổi xe buýt xăng thành xe buýt sạch, thân thiện hơn với môi trường, mà còn phải “xanh” ở chất lượng dịch vụ, điểm dường, thông tin… Như vậy, mới có thể thu hút người dân, du khách sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Vai trò “đầu tàu” của Thủ đô Hà Nội

Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải. Theo lộ trình này, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trong các địa phương trên cả nước, Thủ đô Hà Nội đã tiên phong trong việc tăng cường các phương tiện công cộng, đẩy nhanh quá trình điện khí hoá xe buýt để thân thiện hơn với môi trường và người dân. Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, từ năm 1998 đến nay, số lượng phương tiện xe buýt trong hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã tăng từ 300 xe lên hơn 2.000 xe. Mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn bộ các quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 269 xe buýt điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG), chiếm 13,3% tổng số xe; có trên 1.000 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; tuổi đời bình quân của đoàn phương tiện khoảng 4 năm.

Tại Tọa đàm “Hà Nội cần làm gì để “xanh hóa” xe buýt”? chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá tích cực việc Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt điện. Không chỉ bởi những khía cạnh về môi trường mà còn về việc nâng cao hình ảnh xe buýt trong mắt người dân – trước đây người dân Thủ đô đã quá quen với hình ảnh xe buýt xăng lưu thông trên đường thường phả khói đen ra môi trường.

Tuy nhiên, khi bàn về tiêu chí xanh, các chuyên gia cho rằng, cần phải đánh giá trên một bức tranh tổng thể. “Nếu xét trên quan điểm có thân thiện với môi trường hay không, có tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch hay không, chúng ta cần nhận định rõ không phải cứ chạy bằng điện là xanh hoàn toàn. Bức tranh tổng thể ngành năng lực của ta vẫn còn 44% sử dụng nhiên liệu hoá thạch đốt than, đốt dầu, đốt khí để tạo ra điện. Cho nên một chiếc xe buýt chạy điện vẫn còn 56% sử dụng năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời thôi. 44% vẫn là nhiên liệu hoá thạch nên về nhiên liệu không hẳn là xanh”, ông Bình cho hay.

Dù vậy, cùng với cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ về chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, việc sử dụng nhiên liệu từ những nguồn năng lượng xanh sẽ góp phần giảm thiểu phát thải một lượng khí nhà kính lớn của hệ thống xe buýt thành phố.

“Xanh hóa” cả phương tiện và dịch vụ

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội nhận định: “Để đánh giá chất lượng dịch vụ, ngoài phương tiện xanh, khí nén CNG hay diesel chỉ như hình thức bên ngoài, còn nội dung là chất lượng dịch vụ”. Theo ông, để đạt chất lượng cao phương tiện xanh trọn vẹn là kết hợp giữa phương tiện và chất lượng dịch vụ. “Xanh là cả về phương tiện và con người. Xanh là chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện, điểm dừng, thông tin, giá trị gia tăng như GPS, wifi...”, ông nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Vinbus cho hay: “Tôi hiểu khái niệm xanh rất rộng, xanh về mặt phương tiện, dịch vụ… nhưng xanh gì đi chăng nữa điều quan trọng nhất cũng là phải thu hút người sử dụng phương tiện công cộng. Khi chúng tôi đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, ban đầu có rất nhiều ý kiến lo lắng nghi ngại, từ năng lượng đến lộ trình… Sau 1 năm đi vào hoạt động với 150 xe, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến tích cực. Từ người ngồi trong xe cho tới đi đường, họ đều cảm thấy đỡ mùi xăng xe, không thấy khói bụi”.

Về thực trạng tỷ lệ đi buýt ngày càng giảm, ông Đỗ Phan Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Hà Nội, đánh giá nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng của COVID-19. Trong dịch, nhiều người dân có thói quen sử dụng buýt hàng ngày đã phải chuyển sang các phương tiện khác bởi các tuyến buýt hoạt động theo tần suất khác nhau và giới hạn số người. Từ đó, họ mất thói quen đi buýt.

Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa hơn là chất lượng dịch vụ khiến nhiều người dân “ngại” đi phương tiện công cộng. Ông Phan Lê Bình đánh giá “thái độ phục vụ và hạ tầng của xe buýt điện so với buýt xăng có độ chênh lệch lớn”. Thực tế cũng cho thấy, nhiều người dân lựa chọn đi xe buýt điện bởi họ cảm thấy được phục vụ tốt hơn, tận tình hơn so với dịch vụ xe buýt xăng truyền thống.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thay đổi hoàn toàn hệ thống xe buýt chạy xăng sang xe buýt chạy điện là điều khó thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Do đó, phải kết hợp với nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp khuyến khích người dân lưu thông bằng phương tiện công cộng nhiều hơn, vừa giảm thiểu các phương tiện cá nhân lưu thông, vừa giảm xả thải khí nhà kính, vừa giảm ùn tắc giao thông.

Hiện nay, Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng phương tiện vận tải công cộng, xếp hạng các vận tải hành khách công cộng theo tiêu chí 1-5 sao. Qua 9 tháng, Hà Nội đã có đánh giá 1 đơn vị 5 sao và 9 đơn vị 4 sao. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ không chi được các cơ quan chức năng ghi nhận mà quan trọng hơn hết do chính những hành khách đánh giá, bởi chỉ khi hành khách thấy xe buýt “xanh” cả về môi trường và dịch vụ, họ mới lựa chọn sử dụng phương tiện này.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.