Khuynh hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường
Từ nhiều năm nay, các chuyên gia trên thế giới và trong nước đã khẳng định, tiêu dùng “thân thiện với môi trường” sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại. Do đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất “xanh”.
Kết quả khảo sát của Accenture PLC, một công ty trong Fortune Global 500 vào tháng 4/2020 cho thấy, 60% người tiêu dùng (NTD) muốn mua hàng thân thiện với môi trường. “Sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của NTD trước COVID-19” - báo cáo này nhấn mạnh. Theo Worldbank, 71% NTD trên toàn thế giới cho rằng họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.
NTD cũng dành thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, DN sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.
Con số thống kê thực tế từ Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2020 cũng cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các DN tham gia Chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng triển khai chương trình thường tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm. Đây là động lực để các DN cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh”, xây dựng thương hiệu “xanh”, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường.
Nhiều kết quả khảo sát khác cũng khẳng định, khoảng 80% NTD Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh”. Điều này có nghĩa, khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Doanh nghiệp hướng tới sản xuất “xanh”
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã khởi xướng và xây dựng mô hình sản xuất “xanh” bằng nhiều hình thức khác nhau. Bắt đầu từ việc phân loại và thu gom rác thải nhựa. Đây là khâu quan trọng giúp thu gom và đưa nhựa trở lại phục vụ nền kinh tế, giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất nhựa.
Theo thống kê, hiện nay, Unilever Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc sử dụng nhựa như giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Ngoài ra, Tập đoàn này còn có kế hoạch thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ. Tính đến nay, khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học.
Bên cạnh đó, DN cũng hướng đến việc biến CO2 từ khí thải công nghiệp thành các hóa chất và khoáng chất hữu ích để phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình. Việc áp dụng phương pháp này trong thời gian gần đây đã giúp Unilever trên toàn cầu giảm tới 28% khí nhà kính trong các công thức sản phẩm.
Đáng chú ý, hiện 100% nhà máy, văn phòng, cơ sở nghiên cứu và phát triển, trung tâm dữ liệu, kho hàng và trung tâm phân phối của Unilever trên toàn cầu đã sử dụng điện lưới tái tạo. Đây cũng là mục tiêu mà Samsung Việt Nam đang hướng đến khi mới đây, Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này đã đặt vấn đề mua điện từ các nguồn điện tái tạo để sử dụng ở các nhà xưởng của mình.
Cụ thể, Samsung Việt Nam đã đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo trên thị trường điện và “nhờ” Bộ Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ họ thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp để có thể mua điện tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất điện. Đây là một bước đi trong hành trình xanh hóa sản xuất của Samsung, đã được các tổ chức quốc tế kêu gọi Samsung thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế… Mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Định hướng chung của Chiến lược là tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.