Xăng E5 được cho là đã không hoàn thành được “nhiệm vụ” của mình… khi mới đây, một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã kiến nghị “bán lại xăng A92”.
Cần có chế tài để tăng tiêu thụ E5?
Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đã khiến thị trường xăng dầu sục sôi với kiến nghị “cho sử dụng lại xăng A92” vì không thể lãng phí nguồn lực xã hội. Theo lý giải trong văn bản gửi đến 2 các cơ quan chức năng, Saigon Petro cho rằng, từ đầu năm 2018 khi cả nước đồng loạt bỏ kinh doanh xăng A92 nên sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp có tăng lên so với năm 2017 nhưng tỷ trọng vẫn rất thấp.
Cụ thể, qua tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn có hệ thống phối trộn xăng E5 thì tỉ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%, các doanh nghiệp không có hệ thống phối trộn thì họ thuần túy chỉ kinh doanh xăng khoáng A95, nên tỉ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường vẫn thấp hơn.
Theo số liệu về sản lượng xăng A92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước là 500.000m3/tháng. Nếu tính sản lượng tiêu thụ, xăng E5 chỉ bằng 50% lượng xăng A92, 50% lượng xăng A92 còn lại chuyển sang xăng A95 và mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95 là 1.600 đồng/lít, thì chỉ riêng trong tháng 1 và 2/2018, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng/tháng.
Theo Saigon Petro, số tiền hơn 400 tỷ đồng tiêu thụ A95 là không cần thiết và là một sự lãng phí nguồn lực xã hội lớn vì, hiện xe máy, thiết bị động cơ có nhu cầu sử dụng xăng RON92 (A92 hoặc E5) nhiều, các loại xe này không cần thiết phải sử dụng xăng A95. Điều quan trọng hơn là với mức tiêu thụ E5 không chênh lệch đáng kể so với A95 đã không đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường như đề án thay thế xăng A92 bằng xăng E5 đã đưa ra.
Do đó, Saigon Petro đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nên có tổng hợp số liệu chính thức. Nếu sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp, cần có các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Ngoài ra cũng đồng thời có các biện pháp khuyến khích các thương nhân trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 lớn.
Đây cũng là ý kiến mà ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra khi trả lời phóng viên báo PLVN. Ông Ngãi cho rằng, đề án triển khai dùng xăng E5 là đúng đắn, nhưng đang được thực hiện theo hướng “đánh trống bỏ dùi”, không đưa việc cần phải tuyên truyền cho người tiêu dùng làm trọng tâm, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn nghi ngờ chất lượng xăng E5. “Trong trường hợp cần thiết thì cần làm thí nghiệm cụ thể để khẳng định chất lượng xăng E5. Nếu có vấn đề thì cần phải thay đổi, nếu không thì cần phải có chế tài để tăng lượng tiêu dùng xăng E5”, ông Ngãi nói.
Xăng E5 càng bán càng lỗ?
Trong các giải pháp khuyến khích sử dụng xăng E5 được bàn đến nhiều nhất trước khi tiến hành triển khai đề án thay thế toàn bộ xăng A92 giảm thuế bảo vệ môi trường được tính đến đầu tiên. Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đang được tính ở mức 3.000 đồng/lít.
Ông Mai Quốc Huy - Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, trong cuộc họp cuối cùng trước khi triển khai đề án dừng bán xăng A92, tất cả các đầu mối đều kiến nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 để giá xăng E5 thực sự hấp dẫn so với xăng A95. Theo đó, thay vì giảm 5% như hiện nay thì Bộ Tài chính nên xem xét giảm thuế ở mức 15-20%.
Văn bản kiến nghị của SaigonPetro cũng cho rằng, cần có các biện pháp rõ ràng để giảm thuế bảo vệ môi trường, không thể giảm thuế bảo vệ môi trường bằng với tỉ lệ ethanol như hiện nay (5%). Cụ thể, SaigonPetro kiến nghị nên giảm 500 đồng/lít (tương đương với hơn16%) thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5. Trong trường hợp nếu đã áp dụng các biện pháp mà sản lượng xăng E5 vẫn thấp, không đạt được nhiệm vụ “thay thế toàn bộ xăng A92”, đồng nghĩa với không hoàn thành “sứ mệnh” bảo vệ môi trường như đề án đã đưa ra thì nên cho sử dụng lại xăng A92 để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Về ý kiến này, ông Ngãi cho rằng, không thể thực hiện được vì việc sử dụng xăng E5 ngoài nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn thực hiện việc tiết kiệm năng lượng. Vấn đề cần tính đến là làm sao người tiêu dùng lựa chọn sử dụng xăng E5 và các đầu mối nhập khẩu phân phối xăng E5 không bị lỗ như hiện nay.
Đây cũng là lo lắng của ông Mai Quốc Huy. Ông Huy cho biết, hiện công ty của ông vẫn đang bán đúng sản lượng xăng E5 đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nhưng chuyện bù lỗ vẫn liên tục xảy ra bởi càng bán xăng E5 càng lỗ. Chưa kể việc sử dụng ethanol trong nước (của Công ty Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) cao hơn giá ethanol nhập khẩu dù ethanol nhập khẩu đã bị tính thuế nhập khẩu 20%.
Tuy nhiên, ông Huy khẳng định, dù giá ethanol nhập khẩu thấp hơn ông vẫn sẽ sử dụng ethanol trong nước để ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Nhưng vấn đề lớn chính là không thể kéo dài việc giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 để vừa có thể tăng sản lượng tiêu thụ xăng E5, vừa giúp các đầu mối nhập khẩu và phân phối cân đối được thu - chi trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước.
Theo tin mà chúng tôi có được, việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 như đề đạt của nhiều đầu mối nhập khẩu sẽ không thể thực hiện do Bộ Tài chính không thể tìm kiếm nguồn thu ở đâu để bù vào khoản giảm này, chưa kể việc Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức 4.000 đồng/lít. Nếu doanh nghiệp tiếp tục lỗ, việc họ giảm dần lượng bán xăng E5 đã được dự đoán. Và thực tế cũng đã có đại lý dừng bán xăng E5, như vậy, đề án thay thế A92 bằng E5 của Chính phủ có thể sẽ không hoàn thành?
Cần có chế tài để tăng lượng tiêu thụ E5
“Trong trường hợp cần thiết thì cần làm thí nghiệm cụ thể để khẳng định chất lượng xăng E5. Nếu có vấn đề thì cần phải thay đổi, nếu không thì cần phải có chế tài để tăng lượng tiêu dùng xăng E5”, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.