Xâm hại tình dục trẻ em - sự thật đau lòng từ những con số “biết nói”

XHTD trẻ em đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cộng đồng quốc tế. (ảnh minh họa - Nguồn: ST)
XHTD trẻ em đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cộng đồng quốc tế. (ảnh minh họa - Nguồn: ST)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn báo động. Trong những năm qua, các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây thiệt hại về thể chất, tinh thần xảy ra ngày càng nhiều gây phẫn nộ và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Số vụ xâm hại tình dục trẻ em không ngừng tăng

Những ngày đầu tháng 10/2024, vụ bé gái sinh năm 2011, học lớp 8 bị hàng xóm xâm hại dẫn tới hậu quả mang song thai tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa thu hút sự quan tâm của dư luận. Nạn nhân là em B.T.H, có hoàn cảnh rất đặc biệt khi có cả bố và mẹ đều đi xuất khẩu lao động, gửi con ở nhà cho ông bà nội chăm sóc, học hành. Dù nhiều lần bị xâm hại nhưng em H. không dám nói với ông bà, người thân và thầy cô.

Thời gian gần đây, thấy bụng học sinh to lên và có nhiều biểu hiện bất thường, cô giáo chủ nhiệm đã báo cáo sự việc với hiệu trưởng nhà trường. Sau khi liên lạc, được mẹ H. đồng ý, cô giáo chủ nhiệm đã đưa học sinh tới trung tâm y tế siêu âm thì xác định nữ sinh này đang mang song thai.

Từ lá đơn tố cáo của gia đình, Công an huyện Cẩm Thủy đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng xâm hại em B.T.H để phục vụ công tác điều tra.

Báo cáo thống kê của Trung tâm Pháp y Hà Nội về tổng số vụ xâm hại tình dục (XHTD) ở các độ tuổi mà Trung tâm đã tiếp nhận giám định cho thấy, nếu năm 2017 tổng số vụ là 90 (trong đó nạn nhân dưới 13 tuổi là 30 vụ; từ 13 - 16 tuổi là 20 vụ; từ 16 đến dưới 18 tuổi là 16 vụ; trên 18 tuổi là 24 vụ) thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng số vụ là 144 (trong đó nạn nhân dưới 13 tuổi là 11 vụ; từ 13 - 16 tuổi là 31 vụ; từ 16 đến dưới 18 tuổi là 20 vụ; trên 18 tuổi là 82 vụ). Các năm trước đó, số vụ cũng rất cao, năm 2023 là 249 vụ, 2022 là 234 vụ, 2021 là 206 vụ…

Trao đổi với phóng viên về một vụ XHTD trẻ em mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm cho biết, ngày 17/08/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định một trường hợp là cháu T.K.L sinh năm 2009. Cháu T.K.L có quan hệ yêu đương với N.H.H sinh năm 2005. Cháu T.K.L cùng N.H.H hẹn nhau đi chơi, ăn tối cùng bạn bè, trong bữa ăn có uống bia.

Cháu L say lơ mơ và bảo N.H.H trở về, nhưng N.H.H đã chở cháu về nhà mình dù cháu không đồng ý, nhưng do say, chóng mặt nên không kháng cự được. Khi về nhà, N.H.H dẫn cháu L lên phòng quan hệ tình dục, không sử dụng biện pháp an toàn. Cháu T.K.L không đồng ý, nhưng do không tỉnh táo nên không chống lại được.

Khi cháu T.K.L được N.H.H trở về nhà, cháu đã suy nghĩ lại sự việc thấy hối hận và kể lại cho mẹ. Mẹ cháu T.K.L đã tới Cơ quan Cảnh sát điều tra trình báo tố giác N.H.H. Công an đã phối hợp với Trung tâm Pháp y Hà Nội khám, giám định cho cháu T.K.L. Lúc thực hiện giám định, tinh thần cháu T.K.L vẫn còn hoảng loạn, khóc lóc, giám định viên phải động viên, trấn an tinh thần để cháu T.K.L bình tĩnh khai báo sự việc, hợp tác trong công tác khám.

Kết quả giám định cho thấy những dấu vết mới trên cơ thể, phù hợp với thông tin mới quan hệ lần đầu của cháu T.K.L.

Cũng theo bà Yến, ở vụ việc này, sự việc được trình báo ngay nên dấu vết còn mới, nhưng không phải vụ việc nào cũng như vậy. Bị XHTD trong một thời gian dài, nhiều trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm, giấu giếm và xa lánh bạn bè, người thân.

Đơn cử như trường hợp của cháu T.B.L sinh năm 2007. “Mặc dù tháng 8/2024, sự việc mới được cơ quan điều tra trưng cầu giám định, nhưng đây là một vụ việc rất đau lòng. Bố mẹ cháu T.B.L đã ly hôn, nhưng T.B.L vẫn hay sang nhà người em trai của bố chơi. Chú em này có một người giúp việc nam giới tên là M.A.T sinh năm 1974.

Trong những lần gia đình vắng người, M.A.T đã xâm hại cháu T.B.L hết lần này đến lần khác. Sự việc diễn ra từ năm khi cháu T.B.L học lớp 2 năm 2014 và kéo dài cho đến năm 2021 khi M.A.T không làm việc cho chú của T.B.L thì cháu T.B.L mới không bị M.A.T xâm hại. Nhưng những sự việc trải qua khiến cháu T.B.L vô cùng ám ảnh, hoảng sợ, khi đi học cháu xa lánh các bạn nam, chỉ chơi và nói chuyện với các bạn nữ.

Đến ngày 12/8/2024, cháu T.B.L lúc này học lớp 11 mới đủ mạnh mẽ kể lại sự việc trên cho bố mẹ, nhưng khi nhắc lại tên kẻ xâm hại mình là M.A.T, cháu T.B.L vẫn còn hoảng sợ, mất bình tĩnh và khóc vì cháu đã từng bị M.A.T dọa giết nếu kể với gia đình. Bố mẹ cháu T.B.L đã tố giác đối tượng M.A.T.

"Theo quyết định trưng cầu của Công an, Trung tâm Pháp y Hà Nội đã tiến hành khám giám định và tìm những dấu vết của hậu quả để lại. Trên cơ thể cháu M.A.T không có thương tích nào để lại, nhưng đối với màng trinh đã có vết rách cũ, lỗ màng trinh giãn”, bà Yến nói.

Gia đình tuyệt đối không được che giấu tội phạm

XHTD trẻ em đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cộng đồng quốc tế. Ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1863/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Từ đó, giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em đã trở thành một phần nội dung giáo dục giới tính trong nhà trường, giúp các em hình thành và phát triển khả năng bảo vệ bản thân một cách an toàn.

Tuy nhiên, thực tế đã và đang cho thấy, các nạn nhân trẻ em bị XHTD chủ yếu sống trong môi trường thiếu sự quan tâm của gia đình (bố mẹ ly hôn, đi làm xa, trẻ không sống cùng bố mẹ, trẻ mồ côi, trẻ sống trong gia đình quá đông con hay nhiều thế hệ, trẻ thiểu năng trí tuệ…); trẻ có bố mẹ nghiện ngập, có hành vi lợi dụng và bóc lột trẻ em… Đối tượng thực hiện hành vi XHTD với trẻ em thường là người thân, người quen trong gia đình, hàng xóm, họ hàng, tại trường học, quen qua bạn bè, anh chị…

Thực hiện lấy mẫu ADN tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. (Nguồn: TTPYHN)

Thực hiện lấy mẫu ADN tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. (Nguồn: TTPYHN)

Vụ việc xảy ra ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho thấy đây là huyện miền núi, điều kiện kinh tế rất khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học thì nhiều bố mẹ phải đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa, gửi con cái lại cho ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, việc cả bố và mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông và và người thân chăm sóc, trong khi ông bà đã già cũng là một thiệt thòi cho các em. Ông bà chỉ lo cơm nước ăn uống, việc quản lý, chăm sóc, kèm cặp, theo dõi học sinh khoảng thời gian về sinh hoạt với gia đình rất hạn chế.

Trả lời truyền thông, ông Nguyễn Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Bình nơi em B.T.H học cho biết, theo khảo sát sơ bộ từ đầu năm học, có 210 học sinh có bố, mẹ đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động (chiếm khoảng 47%), đặc biệt, có 110 học sinh có cả bố và mẹ đi làm ăn xa, gửi con ở nhà cho ông bà, người thân chăm sóc.

Đầu năm học 2024 - 2025, nhà trường có mời chuyên viên của Phòng GD&ĐT huyện về nói chuyện, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước, hôn nhân cận huyết, giáo dục giới tính. Tại các giờ học trải nghiệm, thầy, cô giáo cũng truyền tải về giới tính, biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân trước tình trạng XHTD. Tuy nhiên, theo ông Đạt, để bảo vệ được học sinh trước tình trạng XHTD thì cần sự quan tâm chung tay của gia đình, nhà trường và cả xã hội, trong đó vai trò của gia đình rất quan trọng.

Ngày 22/02/2022, tại Phiên giải trình “Tăng cường chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế như tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em…

Từ góc độ của cơ quan giám định, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến nhấn mạnh gia đình cần nhận diện rõ về hành vi XHTD. XHTD là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân, bao gồm cả việc cố ý đụng chạm có tính chất tình dục vào bất kì bộ phận nào của cơ thể của một người, kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kì bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó. XHTD cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác. Theo bà Yến, nếu trẻ bị XHTD, gia đình tuyệt đối không được che giấu tội phạm. Vì, “hậu quả của xâm hại trẻ em ở mỗi nạn nhân là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, thời gian và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại; sự quan tâm, chăm sóc đúng cách của gia đình và xã hội và khả năng chịu đựng, hồi phục của mỗi trẻ, nhận thức của trẻ về hành vi xâm hại, tuy nhiên đều rất nghiêm trọng về mặt tinh thần, thể chất, xã hội. Vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh phòng, chống XHTD trẻ em từ gia đình đến nhà trường thì các bậc phụ huynh, thầy cô cũng cần lưu ý khi trẻ bị XHTD phải trình báo cơ quan công an ngay, tuyệt đối không được che giấu tội phạm. Bố mẹ phải tìm hiểu và nắm chắc được những điều cần phải làm nếu con mình bị XHTD như hỏi con hoàn cảnh xảy ra sự việc, người thực hiện hành vi XHTD, địa điểm, thời gian, những hành vi gì đã xảy ra, thu lưu quần áo… và thực hiện đầy đủ những yêu cầu của cơ quan công an và cơ quan giám định”, bà Yến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.