Suốt thời gian dài, ông Đào Xuân Vương, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bình Thuận, bị “tố” sử dụng bằng THPT giả nhưng vẫn được cất nhắc làm… sếp. Chuyện lạ là tại các cuộc họp Chi bộ Đảng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Thuận, cơ quan quản lý trực tiếp của ông Vương, chính ông Nguyễn Ngọc Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản, yêu cầu ông Vương, yêu cầu Chi bộ Đảng và cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xác minh về bằng cấp của ông Vương. Nhưng mọi kiến nghị, yêu cầu rơi vào im lặng. Ông Đào Xuân Vương bị tố cáo sử dụng bằng THPT giả. Ông Vương trước khi vào ngành kiểm lâm, là một phụ hồ, chưa học hết cấp 2, sau đó chuyển qua làm tại Đội Kiểm lâm Cơ động. Ngoài ra, trong đơn tố cáo, còn nhiều chuyện khuất tất, “động trời” của ông Vương về quản lý rừng, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc.
Theo hồ sơ cán bộ của ông Vương tại Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ ngày làm việc ở ngành kiểm lâm đến nay, ông Vương chưa hề học qua một lớp bổ túc văn hóa THPT nào. Ông Vương cũng không có bằng cấp 2, không có học bạ bậc THPT, nhưng trong hồ sơ cán bộ công chức, ông Vương lại “phù phép” được tấm bằng tốt nghiệp THPT, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cấp, sau đó có cả bằng tốt nghiệp ĐH Luật tại Vũng Tàu, rồi Cử nhân Chính trị (?!) Liên tục bị tố xài bằng cấp giả, ông Vương cũng... liên tục lên chức, trong đó gần 20 năm làm Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động của tỉnh Bình Thuận - một chức vụ quan trọng tại vùng đất nổi tiếng cả nước với nhiều vụ phá rừng. Giữa năm 2009, Đội Kiểm lâm cơ động Bình Thuận được đổi tên thành Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Bình Thuận, trực thuộc chi cục kiểm lâm tỉnh, là đơn vị có dự toán cấp 3, có tư cách pháp nhân, con dấu, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và được cấp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách... Ông Vương được bổ nhiệm lại làm đội trưởng. Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu làm rõ chuyện bằng cấp của ông Vương, để bổ túc hồ sơ cán bộ, nhưng văn bản yêu cầu của ông Sang bị phớt lờ. Xác minh của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc Sở GD-ĐT TP HCM, văn bằng của ông Đào Xuân Vương không có trong danh sách tốt nghiệp Bổ túc Trung học, khóa thi ngày 4/6/1993, tại Hội đồng thi Kỳ Đồng. Một cán bộ thuộc Phòng này còn khẳng định: Hội đồng thi kỳ đồng ngày 4/6/1993, có rất đông thí sinh dự thi. Chỉ cần nhìn vô số bằng 115/KĐ, với tên Đào Xuân Vương là thấy bất hợp lý. Bởi tên Vương, xếp theo thứ tự chữ cái, thì không thể ở số 115. Số văn bằng 115/KĐ thể hiện trên văn bằng của ông Vương là tên một người khác hiện đang lưu trữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.
Theo H.Linh - M.Luân
Đất Việt
Đất Việt